1. Thị trường chứng khoán (TTCK)
Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra hoạt động phát hành, trao đổi mua bán các loại chứng khoán trung và dài hạn. Chứng khoán được phát hành để huy động vốn cho doanh nghiệp và chính phủ.
Đọc định nghĩa bên trên thì bạn có thể hiểu đơn giản TTCK giống như 1 cái chợ, mọi người lên đó mua bán hàng hóa, và hàng hóa ở đây là cổ phiếu, trái phiếu và các loại công cụ khác. Ở đây để đơn giản thì chỉ nói về cổ phiếu.
Bây giờ doanh nghiệp của các bạn ăn nên làm ra và có nhu cầu huy động thêm vốn để có tiền mở rộng kinh doanh. Nếu vay ngân hàng thì không đủ do hạn chế về tài sản thế chấp hay uy tín chưa cao thì phát hành cổ phiếu là một trong các cách có thể thực hiện. Ví dụ bạn thuê 1 công ty bên ngoài định giá công ty các bạn khoảng 150 tỷ. Sau đó bạn tiến hành phát hành và bán hết 1 triệu cổ phiếu, suy ra mỗi cổ phiếu lúc này có giá 150 000 VND. Tiếp theo, những người nắm cổ phiếu của cty bạn mua đi bán lại làm giá tăng lên 170 000 VND. Lúc này báo chí sẽ đưa tin công ty bạn giá trị đã tăng lên 170 tỷ. Đơn giản vậy thôi.
Một số đặc điểm của TTCK Việt Nam
Khi chốt lệnh mua cổ phiếu thì phải sau 2 ngày làm việc (T+2), bạn mới thực sự sở hữu cổ phiếu đó. Ngoài ra mỗi ngày giao dịch giá của cổ phiếu chỉ được biến động dưới 7%. Lí do là để hạn chế việc tạo lệnh giả làm giá cổ phiếu. Một trường hợp điển hình cho việc thao túng giá cổ phiếu là các cổ phiếu họ nhà Quyết Còi - Trịnh Văn Quyết (ROS, FLC). Mã cổ phiếu ROS, ngày 7/1/2020 giá tang 6,74%, ngay hôm sau giảm luôn 7%, rất mất dạy. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vì ham nên đã bị lùa gà mất tiền suốt một thời gian dài. Mã này đỉnh giá 180 000 VND vào tháng 10/2017 đến hiện tại rớt xuống còn 3 000 VND, còn rẻ hơn 1 tờ A4 in màu ngoài tiệm.
Việc bán khống (ép giá cổ phiếu giảm) bị cấm hoặc hạn chế (định nghĩa mời đọc ở phần thuật ngữ). Việc một cổ phiếu bị giảm giá do bán khống ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, giá trị cũng như tình hình kinh doanh của công ty, thế nên TTCK về lâu dài luôn muốn các cổ phiếu đều tăng giá.
Số tiền cần để mua bán bằng đúng 100% giá trị của cổ phiếu. Đơn giản là bạn muốn mua 100 cổ phiếu với mỗi cổ phiếu giá 150 000 VND thì phải xì đủ 15 củ. Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cho vay, gọi là margin, thì các bạn chỉ cần xì khoảng 5 củ thôi, 10 củ còn lại CTCK sẽ trả. Lúc này đặt ra câu hỏi giá tăng hay giảm thì tiền về túi tính toán thế nào? Cái này sẽ có chi tiết ở phần thuật ngữ Margin ở dưới.
2. Thị trường Forex
Phần một đã có được giải thích một cách tổng quan rồi nên phần này nêu sự khác biệt so với TTCK thôi.
Từ bôi đen sẽ được giải nghĩa ở phần thuật ngữ.
Khối lượng giao dịch và tính thanh khoản.
- TTCK cả thế giới thì khối lượng mua bán 1 ngày chỉ tầm khoảng vài trăm tỷ USD còn thị trường forex lên đến 7 ngàn tỷ USD. Chính vì thế tính thanh khoản của thị trường forex cực kì lớn. Vì vậy 1 lần mua bán của bạn có lớn đến chừng nào đi nữa (ví dụ 1 triệu USD) thì cũng đều dễ dàng được thực hiện.
- Một mã cổ phiếu của Việt Nam trung bình 1 ngày giao dịch khoảng 2 triệu đô thì với các đại gia Việt Nam việc lũng đoạn là điều hoàn toàn có thể. Tuy nhiên với thị trường forex thì cực kì khó, phải đến tầm chính sách mới có khả năng mang đến tác động thực sự.
Giao dịch 24/5
- TTCK thường có giờ mở cửa, đóng cửa và lịch hoạt động tương tự như giờ hành chính còn Thị trường Forex thì mở liên tục 24/5 bởi vì có sự thay phiên mở cửa của các sở giao dịch ở các châu Lục (Úc, Á, Âu, Mỹ). Lúc hết giờ làm việc của trung tâm này thì đến múi giờ của trung tâm khác mở cửa, thay phiên nhau giữ cho thị trường hoạt động liên tục.
- Hiểu đơn giản là nếu muốn mua cổ phiếu của Vincom thì phải đợi TTCK Việt Nam mở cửa còn nếu muốn giao dịch tỷ giá EUR/USD thì giờ nào trong tuần cũng chơi được.
Phí giao dịch cực thấp.
- Khi mua bán cổ phiếu, các phí phải chịu bao gồm: thuế (0.1%) , phí (khoảng 0.3%) và phí lưu ký chứng khoán (là phí sở giao dịch giữ hộ cổ phiếu giúp bạn ,bạn không phải mang về nhà đem cất).
- Thị trường Forex thì gần như bạn chỉ phải chịu 1 loại phí duy nhất và hiển thị rõ ngay từ đầu đó là Spread. Các loại phí qua đêm, nạp rút, v.v… đều được miễn phí. Ví dụ cặp EURUSD sẽ có phí khoảng 0.00015/1.9 ~ 0.01%. Thế nên sẽ không bất ngờ khi các sàn giao dịch top hàng ngày lưu lượng giao dịch cả tỷ USD nhưng doanh thu thực tế chỉ vài triệu USD.
Bán khống
Ở TTCK, bạn chỉ kiếm lời từ việc chờ cổ phiếu giảm giá xuống để mua vào rồi lại chờ nó tăng lên để bán ra ăn chênh lệch thì Forex cho phép bạn kiếm lợi nhuận cả 2 chiều.
Thuật ngữ
Bán khống: Một cách kiếm lợi nhuận từ sự tụt giảm giá. Tư duy bình thường là phải có hàng trong tay thì mới bán để thu tiền mặt về được. Tuy nhiên bán khống tức là không cần có hàng trong tay nhưng cứ bán đi lấy tiền cái đã, hàng giao sau. Vậy kiếm lời từ bán khống diễn ra như thế nào? Lấy ví dụ về vàng nhé, giá hiện tại là khoảng 49 triệu/ lượng. Bạn dự đoán giá thế này cao rồi, tuần sau giảm còn 47 triệu/ lượng thôi. Vì thế bạn chạy ngay ra tiệm vàng, bảo là tôi muốn bán 2 lượng nhưng tuần sau tôi mới giao vàng, thế là viết giấy cam kết sẽ giao 2 lượng vàng vào tuần sau và cầm 98 triệu về nhà. Tuần sau giá vàng giảm còn 47 triệu thật, lúc này bạn cầm 94 triệu ra tiệm vàng thứ hai mua 2 lượng vàng để trả cho tiệm vàng đầu tiên. Vậy là còn thừa 4 triệu và đây chính là lãi từ việc bán khống khi dự đoán giá giảm.
Margin: Hay còn gọi là ký quỹ, hiểu đơn giản là tỷ lệ tiền cọc bạn phải bỏ ra khi mua cổ phiếu. Ví dụ cổ phiếu giá 150 000 VND yêu cầu mức margin 40%, bạn muốn mua 100 cổ phiếu thì chỉ cần xì ra 150 000 * 100 * 0.4 = 6 triệu cọc là được, 9 triệu còn lại CTCK sẽ cho vay với lãi tầm 9%/ năm. Sau một tháng cổ phiếu giảm còn 130 000 VND, bạn bán đi thu được 13 triệu. Lúc này cần trả 9 triệu cho CTCK, bạn còn 4 triệu, so với 6 triệu vốn ban đầu là lỗ 2 triệu. Vậy tính ra lỗ 33% vốn trong khi giá chỉ giảm có 20 000 VND/150 000 VND ~ 13%. Đây chính là điểm nguy hiểm của margin, ký quỹ hay đòn bẩy trong forex.
Thanh khoản: Khi nói 1 mặt hàng có tính thanh khoản thì hiểu đơn giản là nó dễ dàng được mua bán. Tức là bạn rao mua hay bán thì luôn luôn có người nhảy vào hỏi để giao dịch.
Phí qua đêm: Là số tiền phải trả hoặc nhận về khi giữ 1 lệnh qua đêm. Ví dụ: khi giao dịch tỷ giá USDCHF, nếu thực hiện lệnh mua vào 1 Lot thì qua 1 đêm bạn được nhận 0.3315 USD còn bán ra 1 Lot thì qua đêm phải trả 5.0255 USD.

Lí do cho việc phát sinh phí này là vì lãi suất gửi tiền của quốc gia sở hữu đồng tiền đó thay đổi, từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá. Vì thế phí này phát sinh để cân bằng lại.
Lê Hải Đăng,
Thạc sĩ tài chính