Mục lục:
- Tổng Quan về Forex
- Phân biệt với Thị trường chứng khoán
1. Forex là gì?
Forex, viết tắt của từ Foreign Exchange, nghĩa là trao đổi tiền tệ quốc tế (ngoại hối). Khi bạn đổi từ đồng tiền của quốc gia này sang tiền quốc gia khác, đó là forex.
Ví dụ: Bạn sắp đi Mỹ, ở Mỹ không sử dụng tiền Việt Nam được nên bạn ra quầy đổi tiền hoặc ngân hàng (được cấp phép). Bạn đổi 23.500.000đ lấy 1000 Đô la Mỹ, đó là bạn đã tham gia trao đổi ngoại hối.
2. Những ai tham gia thị trường Forex?
Rất nhiều tổ chức và cá nhân cần trao đổi tiền tệ. Dưới đây là vài cái tên chủ yếu:
- Chính phủ: Khi nhận tiền vay từ nước ngoài, nó là ngoại tệ, cần quy đổi sang nội tệ để chi tiêu. Mai kia thu thuế vào, lại phải đổi sang ngoại tệ để trả nợ.
- Ngân hàng: Cần ngoại tệ để đổi cho khách hàng và chuyển tiền quốc tế.
- Doanh nghiệp: Khi mua nguyên liệu tại nước bạn, cần ngoại tệ để chi trả. Lúc xuất khẩu hàng thu ngoại tệ về, cần đổi sang nội tệ để nhập quỹ, trả lương…
- Cá nhân: Phục vụ mua sắm, đi du lịch, đi học ở nước khác…
Ngoài ra mấy ông nói trên còn tích trữ các ngoại tệ mạnh để tránh lạm phát, hoặc phân bổ quỹ ra các loại tiền khác nhau để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn trước biến động tỷ giá. Nói chung cứ cái gì dính dáng đến sự giao thương quốc tế thì không tránh khỏi phải trao đổi tiền tệ.
3. Vì sao tỷ giá forex thay đổi?
Cũng như cổ phiếu, vàng, bitcoin… tỷ giá forex biến đổi theo cung cầu. Đồng tiền nước nào mạnh, kinh tế phát triển, nhiều người muốn sở hữu, tích trữ thì tỷ giá tăng. Ông nào in ra nhiều, lạm phát cao, tiền mất giá thì tỷ giá giảm.
Tất nhiên nhiều chính phủ tìm cách can thiệp vào sự biến đổi tỷ giá, bằng cách quy định tỷ giá cố định trong cả nước (Việt Nam chẳng hạn). Nhưng điều đó chỉ nhằm tránh sự lộn xộn chứ bản chất tỷ giá vẫn sẽ theo cung cầu.
4. Tỷ giá forex được biểu diễn thế nào?
Đơn giản lắm, nó trông thế này: EUR/USD = 1.1134 hoặc EUR/JPY = 114.71
Trong đó 3 ký tự đầu là là một loại tiền tệ, 3 ký tự sau là một loại khác, ghép thành một cặp, phía sau là tỷ giá.
Khi nói EUR/USD = 1.11 nghĩa là 1 đồng Euro đổi được 1.11 đồng Đô la Mỹ.
5. Một số ký hiệu tiền tệ phổ biến?
- EUR - Euro của Liên minh Châu Âu
- USD – Đô la Mỹ
- GBP - Bảng Anh
- JPY - Yên Nhật
- CHF - Franc Thụy Sĩ
- AUD - Đô la Úc
- CAD - Đô la Canada
- RUB - Rouble của Nga
- ZAR - Rand của Nam Phi
vân vân
6. Tại sao tiền tệ luôn đi thành cặp?
Bình thường đi siêu thị mua hàng, các bạn mua bằng gì? Dĩ nhiên là bằng tiền đúng không? Vậy nếu giờ đi mua tiền thì mua bằng gì?
Câu trả lời rất đơn giản: mua bằng một loại tiền khác. Chính vì thế trao đổi ngoại hối luôn phải có sự tham gia của 2 loại tiền tệ, thế mới đổi được từ loại A sang loại B.
Vì thế nên tỷ giá forex luôn phải đi theo cặp.
7. Làm sao người ta kiếm tiền từ forex?
Như đã nói ở trên, tỷ giá lên xuống theo cung cầu. Hễ cái gì có biến đổi lên xuống thì người ta đều nghĩ cách giao dịch nó để kiếm lời. Ví dụ hôm nay bạn đổi 23 triệu lấy 1000 đô la Mỹ, một thời gian sau tỷ giá đô la Mỹ lên, bạn đổi ngược lại từ 1000 đô thành 24 triệu, vậy trên lý thuyết bạn có lời 1 triệu VNĐ rồi.
Trên thực tế nếu thực hiện việc mua bán này ở các quầy đổi tiền thì phí khá lớn và lời lãi chẳng đáng kể, lại bất tiện. Vì thế có công ty môi giới (broker) cung cấp dịch vụ trade forex online, có hỗ trợ nhiều công cụ tiện lợi như phí cực thấp, đòn bẩy cao.
8. Giao dịch forex có hợp pháp không?
Nếu bạn đổi tiền tại đúng nơi được cấp phép, với đúng số lượng quy định thì điều đó là hợp pháp. Đổi tiền không đúng nơi quy định là phạm pháp.
Nhiều bạn nói trade forex là mua bán ngoại tệ bất hợp pháp, điều này chưa chính xác. Bởi vì bản chất của việc trader forex là giao dịch tỷ giá forex mà thôi, chứ không phải là mua bán ngoại tệ thực sự. Ví dụ khi mua Euro trên đó, bạn có lời khi nó tăng, lỗ khi nó giảm, nhưng sau đó kiểu gì cũng phải đóng lệnh để chốt lời lỗ chứ không bao giờ rút được số Euro trong lệnh đó về. Như vậy thì trade forex sẽ được xếp vào nhóm giao dịch hợp đồng chênh lệnh (CFD) chứ không phải giao dịch tiền tệ.
Nếu muốn đầu tư forex thì cần tìm hiểu để chấp nhận mọi rủi ro vì pháp luật Việt Nam chưa bảo hộ việc giao dịch forex. Điều này có nghĩa pháp luật không cấm giao dịch forex miễn là nhà đầu tư không có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở nguồn tiền mà họ sử dụng. Do đó nếu bạn muốn trải nghiệm chút ít thì cũng đừng lo lắng, bởi công dân được làm những gì pháp luật không cấm.
9) Thuật ngữ:
Chênh lệch (Spread): sự chênh lệch thời gian thực giữa Giá chào mua và Giá chào bán. Cái này giống như bác ra tiệm vàng ý, tiệm nó nhập vào giá thấp còn bán ra giá cao hơn 1 chút thì phần chênh lệch đó là nguồn thu của tiệm. Sàn giao dịch cũng sẽ có nguồn thu chính từ cái Spread này.
Đồ thị hình nến: một trong những phương pháp lập biểu đồ thể hiện các thay đổi về tỷ giá của các công cụ tài chính. Nó trông như thế này:

Đây là biểu đồ hình nến theo ngày, tức là mỗi cây nến biểu thị giá thay đổi trong ngày hôm đó, màu xanh là giá cuối ngày tăng lên, màu đỏ là giá cuối ngày giảm xuống.
Đòn bẩy: một công cụ cho phép trader giao dịch với số tiền lớn hơn số tiền thực tế mà trader có. Ví dụ, với một đòn bẩy là 1:100, bạn có thể giao dịch với số vốn là 100 000 USD, trong khi số tiền thực tế trong tài khoản của bạn chỉ là 1.000 USD.
Lot: một lượng các đơn vị hoặc một tổng các tài sản được dùng để thực hiện giao dịch một công cụ nhất định (đối với các cặp ngoại tệ, một lot Forex tiêu chuẩn là 100.000 đơn vị của tiền tệ gốc). Ví dụ cặp tỷ giá EURUSD đang hiển thị 1.0987 và các bác đặt lệnh mua 1 Lot, tức là các bác sẽ sở hữu 100 000 Euros và mất 109 870 USD.
Pip: đơn vị thể hiện thay đổi giá của công cụ tài chính (0.0001). Ví dụ, nếu tỷ giá EUR/USD thay đổi từ 1.0987 lên 1.0988, đồng nghĩa tăng lên 1 pip. Cái này xuất hiện khi các bác xem trên website một số sàn giao dịch quảng cáo là Spread chỉ từ 0.1 pip chả hạn.
Bài viết tham khảo nội dung từ Group Kinh tế học giản đơn:
https://www.facebook.com/KinhTeHocGianDon1/
Lê Hải Đăng, Thạc sĩ tài chính