Chào các bạn, mình có em trai hiện tại đang học lớp 10 nên đã đến lúc gia đình mình suy nghĩ có nên cho em mình đi du học hay học tại Việt Nam. Gia đình mình xem việc cho em đi du học như một dạng “đầu tư” vậy, và vẫn chưa cảm nhận được sự đầu tư này sẽ có mang lại “lợi nhuận” hay không. Mình sẽ chia sẻ quan điểm của cá nhân mình, các bạn hãy chia sẻ góc nhìn của các bạn về vấn đề này luôn nhé.
Để các bạn có thể hiểu rõ hơn vì sao mình đã có một góc nhìn như hiện tại, mình xin phép chia sẻ rằng mình đã từng đi làm cho một số Công ty nước ngoài đứng đầu thị trường và được tiếp xúc với nhiều cá nhân đến từ trường ĐH Việt Nam và cả những trường Quốc tế tại Việt Nam cũng như các du học sinh từ những trường hàng đầu tại nước ngoài. Mình cũng có rất nhiều người bạn hiện đang là du học sinh tại Mỹ, Úc, Canada, Anh và mình cũng đã nghe được rất nhiều câu chuyện về khó khăn của các bạn sau khi tốt nghiệp. Đó là lý do tại sao mình muốn mở ra cuộc thảo luận này, để nghe được nhiều ý kiến từ các bạn nhé.
Để có thể viết gọn hơn, mình xin phép viết tắt Du Học Sinh là DHS, còn các bạn học sinh học tại trường Đại học ở Việt Nam là HSVN nha.

1. Khởi điểm công việc cho sinh viên sau khi ra trường
Mình bắt đầu đi làm từ năm 2015 trở đi, và có thể nhìn ra được đối với một sinh viên vừa mới ra trường thì gần như không có sự khác biệt từ mức lương, cho đến vị trí khởi điểm giữa một DSH và một HSVN.
Hiện nay, các trường Đại học tại Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo rất tốt, đặc biệt là sự tiến bộ trong việc sử dụng tiếng Anh, giúp cho các bạn HSVN có thể dễ dàng xin được việc làm vào các Công ty nước ngoài. Nếu như khởi điểm của một bạn chi hàng tỷ đồng/năm và một bạn chỉ chi vài chục triệu/năm đều như nhau, vậy thì sự đầu tư này có thật sự là xứng đáng?
Đến đây hẳn bạn sẽ nói với mình là hiển nhiên hai bạn sẽ có xuất phát điểm ngang nhau, vì các bạn được tuyển dụng dựa vào kinh nghiệm của các bạn. Vậy, mình xin mạn phép chia sẻ một trong những khó khăn mà mình có thể thấy rõ rệt nhất của các bạn DHS là vì hiện tại các nước bạn, tất nhiên là sẽ ưu tiên cho công dân của họ, đặc biệt đẩy chương trình tuyển dụng cho công dân của mình, khiến cho DHS nghiễm nhiên trở thành “lựa chọn còn sót lại” trong quá trình tuyển dụng. Việc này chỉ không xảy ra đối với những DHS thật sự xuất sắc, nhưng ai biết được bạn có phải là xuất sắc hay không… khi một người bạn của mình là một học sinh đạt điểm GPA bằng Tiến sĩ gần như là tuyệt đối nhưng vẫn không tìm được việc làm tại một đất nước mà họ ghi rõ trong quy trình tuyển dụng là “ưu tiên công dân”?
2. Sự thấu hiểu văn hoá, môi trường tại Việt Nam
Mình không thể phủ nhận được rằng, DHS khi được sống trong một môi trường hiện đại, đời sống đều được nâng tầm so với Việt Nam thì sẽ có một góc nhìn mở mang hơn, từ đó khiến cho các bạn suy nghĩ, sáng tạo khác biệt hơn các bạn đã ở Việt Nam từ bé đến lớn. Tuy nhiên, một trong những quan ngại lớn nhất khi mình quan sát các bạn DHS về Việt Nam là việc các bạn thật sự thấu hiểu được văn hoá và môi trường làm việc tại Việt Nam - là nơi mà chính các bạn sẽ là người phải bương chải để phát triển, gầy dựng sự nghiệp của mình.
Tất nhiên, mình không đánh đồng tất cả DHS nhưng gần như hầu hết các bạn sẽ gặp tình trạng này khi làm việc tại Việt Nam. Bạn không thể đặt những câu hỏi đại loại như: “Ơ tại sao sếp sai đến thế kia mà mình vẫn phải ngậm ngùi chịu trận. Ở nước ngoài là cấp dưới luôn được nêu ý kiến mà?”, hay “Tại sao mình lại phải nịnh nọt sếp nhỉ, mình cứ làm việc thật tốt thì sẽ vẫn được thăng chức ào ào đấy thôi”. Các bạn làm việc tại các Cty nước ngoài thì sẽ thoải mái hơn đôi chút so với các bạn làm Cty thuần Việt hoặc Cty nhà nước. Nhưng biết sao được, có là Cty nước ngoài thì vẫn là con người Việt Nam đang làm việc mà.
Ngoài góc nhìn về văn hoá trong cách làm việc, việc học tại nước ngoài cũng chưa chắc giúp cho một bạn DHS có thể am hiểu rõ được sự phát triển, kinh tế và thị trường của Việt Nam. Mình vẫn muốn nhắc lại ý rằng mình không hề phủ nhận việc du học sẽ giúp cho tầm nhìn mở mang, sự bứt phá trong lối suy nghĩ nhưng liệu học tập về thị trường, văn hoá, và luật pháp của một đất nước khác, có giúp ích được nhiều cho công việc của bạn tại Việt Nam không?
Đến đây, mình muốn nhắc lại câu hỏi chủ đề để chúng ta suy ngẫm nhé - Vậy thì, đầu tư tiền tỷ một năm để đi du học, liệu có xứng đáng hay không?
3. Có thật sự trưởng thành, khi bạn đã được tự do hơn?
Câu hỏi này thật sự rất nhạy cảm và cũng sẽ rất khó để trả lời do chúng đều phụ thuộc vào từng cá nhân. Nhưng mình vẫn muốn mang vào đây để các bạn suy nghĩ vì tính cách, con người được hình thành nên sau khi đi du học cũng là một trong những câu hỏi lớn nhất mà mình muốn đặt ra.
Đối với góc nhìn đầu tiên, việc du học và xa rời vòng tay gia đình sẽ giúp cho một cá nhân tự lập hơn vì phải tự lo liệu mọi thứ cho bản thân từ những việc rất nhỏ như ăn ngủ dọn dẹp, hay đến những việc lớn hơn như là tự bương chải kiếm thêm thu thập để phụ giúp gia đình trong việc chi trả các chi phí khi học tập tại nước ngoài. Nhưng nếu không phải như thế thì sao?
Mình đã từng biết rất, rất, rất nhiều DHS đã phá tan tương lai của mình chỉ vì đi du học. Nhậu nhẹt, đàn đúm, ăn chơi, hút chích… hãy cứ xoã đi vì bây giờ có ai quản mình nữa đâu? Một người quen của mình đã từng đi du học, học thì chẳng thấy đâu thấy mãi mê đua xe để rồi gặp tai nạn bố phải bay qua đến Mỹ mang bạn ấy về Việt Nam rồi năn nỉ quay lại với bố mẹ đi con. Một bạn khác sống ở một đất nước xa xôi, bị sốc văn hoá đến nỗi bị trầm cảm rồi thay đổi tính nết, cũng đành bỏ ngang rồi quay về Việt Nam để chữa trị căn bệnh này.
Vậy thì liệu, việc du học có còn là xứng đáng… khi bạn đã đầu tư quá nhiều nhưng quay lại vẫn là một con số 0 tròn trĩnh.
Mình còn nhiều góc nhìn khác nữa nhưng sẽ tạm gác lại tại đây vì thật sự mình rất muốn nghe ý kiến và các góc nhìn khác nhau từ các bạn. Mong các bạn hãy sớm chia sẽ nhé!