Trên internet đã có rất nhiều bài báo chỉ ra rằng Roberto Nevilis - một giáo viên người Ý là người đầu tiên giao bài tập về nhà cho học sinh của mình. Ông ấy đã tạo ra nó như một cách để trừng phạt những học sinh lười biếng và đảm bảo rằng chúng sẽ cố gắng hơn trong việc học đầy đủ bài giảng của mình. Tuy nhiên, những thông tin này chủ yếu đến từ các blog giáo dục ít người biết đến hoặc các trang web diễn đàn với các thông tin thiếu uy tín. Thực tế là vẫn chưa có nguồn tin tức hoặc trang web đáng tin cậy nào từng đề cập đến cái tên Roberto Nevilis với tư cách là người đã phát minh ra bài tập về nhà.
Vì chưa có thông tin hoàn toàn chắc chắn nào về ai là người đã tạo ra bài tập về nhà, do đó bài viết dưới đây sẽ là sơ lược về lịch sử xuất hiện và tồn tại của cụm từ “bài tập về nhà”.
Từ thời La Mã cổ đại
Việc đề cập đến thuật ngữ “bài tập về nhà” đã có từ thời La Mã cổ đại. Vào thế kỷ I sau Công nguyên, Pliny the Younger - một giáo viên hùng biện, được cho là đã phát minh ra bài tập về nhà bằng cách yêu cầu những người theo học ông luyện nói trước công chúng tại nhà. Điều này giúp họ trở nên tự tin và lưu loát hơn trong bài phát biểu của mình. Nhưng một số người lập luận rằng hình thức này không chính xác là loại bài tập mà học sinh phải làm ở nhà ngày nay.
Horace Mann: Cha đẻ của bài tập về nhà hiện đại
Vào thế kỷ 19, Horace Mann - một chính trị gia và nhà cải cách giáo dục, người rất quan tâm đến hệ thống giáo dục công lập bắt buộc của nước Đức với tư cách là một quốc gia mới thống nhất. Học sinh theo học tại Volksschulen hay được biết đến là “Trường học của mọi người” được giao các bài tập bắt buộc mà họ cần phải hoàn thành ở nhà trong thời gian riêng của mình. Yêu cầu này thể hiện quyền lực của nhà nước đối với các cá nhân vào thời điểm mà những người theo chủ nghĩa dân tộc như Johann Gottlieb Fichte đang tập hợp sự ủng hộ cho nước Đức thống nhất. Nói một cách dễ hiểu, nhà nước sử dụng bài tập về nhà như một yếu tố của trò chơi quyền lực.
Bất chấp nguồn gốc chính trị của nó, bài tập về nhà đã lan rộng khắp châu Âu và cuối cùng tìm đến với Horace Mann, người đang ở Phổ tại thời điểm đó. Từ đó, ông ấy đã mang hệ thống này về Mỹ, nơi bài tập về nhà đã trở thành một hoạt động hàng ngày trong cuộc sống của học sinh.

Lịch sử bài tập về nhà ở Mỹ
Mặc dù bài tập về nhà là một phần gần như phổ biến trong trải nghiệm giáo dục của Mỹ ngày nay, nhưng không phải lúc nào nó cũng được chấp nhận rộng rãi. Dưới đây là tóm tắt lịch sử hỗn loạn của nó tại Mỹ.
Những năm 1900: Tâm lý chống bài tập về nhà & Cấm làm bài tập về nhà
Năm 1901, chỉ vài thập kỷ sau khi Horace Mann giới thiệu khái niệm này với người Mỹ, bài tập về nhà đã bị cấm ở bang California, Thái Bình Dương. Lệnh cấm được thực thi đối với học sinh dưới 15 tuổi và có hiệu lực cho đến năm 1917. Cũng trong khoảng thời gian đó, các ấn phẩm nổi bật như The New York Times và Ladies’ Home Journal đã công bố các tuyên bố của các chuyên gia y tế và các bậc cha mẹ cho rằng bài tập về nhà có hại cho sức khỏe của trẻ em.
1930: Lao động trẻ em làm bài tập về nhà
Năm 1930, Hiệp hội Sức khỏe Trẻ em Hoa Kỳ tuyên bố bài tập về nhà là một hình thức bóc lột lao động trẻ em. Vì luật chống bóc lột lao động trẻ em đã được thông qua gần đây trong thời gian đó, chính vì thế tuyên bố coi bài tập về nhà là một thông lệ giáo dục không được chấp nhận và khiến mọi người tự hỏi tại sao ngay từ đầu lại nghĩ ra bài tập về nhà.
Tuy nhiên, một trong những lý do khiến bài tập về nhà không được tán thành khác là vì trẻ em cần phải giúp đỡ các công việc gia đình, việc làm bài tập sẽ chiếm bớt thời gian làm việc nhà của trẻ.
Đầu đến giữa thế kỷ 20: Bài tập về nhà và Kỷ nguyên Tiến bộ
Trong quá trình cải cách giáo dục tiến bộ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 , các nhà giáo dục bắt đầu tìm cách làm cho các bài tập về nhà mang tính cá nhân hơn và phù hợp với sở thích của từng học sinh. Có lẽ đây là cách mà các chủ đề tiểu luận bất hủ như “What I Want to Be When I Grow Up” hay “What I Did During My Summer Vacation” ra đời.
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh: Bài tập về nhà trở nên nóng lên
Sau Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh đã làm nóng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Nga. Sự ra mắt của Sputnik 1 vào năm 1957 đã tăng cường sự cạnh tranh giữa người Mỹ và người Nga – bao gồm cả giới trẻ hai nước.
Các cơ quan giáo dục ở Mỹ đã quyết định rằng việc giao bài tập về nhà nghiêm ngặt cho học sinh Mỹ ở mọi lứa tuổi là cách tốt nhất để đảm bảo rằng các em luôn đi trước các học sinh Nga một bước, đặc biệt là trong các lĩnh vực cạnh tranh là Toán và Khoa học.
Những năm 1980: Bài tập về nhà trong một quốc gia gặp rủi ro
Năm 1986, cuốn sách nhỏ “What Works” của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã đưa bài tập về nhà vào một trong những chiến lược hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục. Thời điểm đó là ba năm sau khi Ủy ban Quốc gia về Giáo dục Xuất sắc (National Commission on Excellence) xuất bản “Nation at Risk: The Imperative for Educational Reform”. Bản báo cáo mang tính bước ngoặt đã chỉ trích tình trạng của các trường học ở Mỹ, kêu gọi cải cách để đi đúng hướng đáng báo động mà giáo dục công lập đang hướng tới.
Đầu thế kỷ 21
Ngày nay, nhiều nhà giáo dục, học sinh, phụ huynh và những công dân có liên quan khác một lần nữa bắt đầu đặt câu hỏi tại sao bài tập về nhà lại được phát minh ra và liệu nó có còn giá trị hay không. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Tham khảo và lược dịch từ: https://www.througheducation.com/the-history-of-homework/