Từ FOMO…
FOMO là cụm từ viết tắt của “Fear Of Missing Out” - nỗi sợ bị bỏ lỡ. Nỗi sợ hãi bị bỏ lỡ (FOMO) là một phản ứng cảm xúc đối với niềm tin rằng những người khác đang có cuộc sống tốt hơn, hài lòng hơn, hay đang tham gia một sự kiện thú vị, hấp dẫn ở một nơi khác hoặc rằng các cơ hội quan trọng đang bị bỏ lỡ. FOMO thường tạo nên cảm giác không thoải mái, không hài lòng và căng thẳng. Nỗi lo lắng này thường bị kích thích bởi các bài đăng được nhìn thấy trên phương tiện truyền thông xã hội.
Vì sao chúng ta FOMO?
Giữa cuộc sống bận rộn và hối hả như hiện nay, ai ai cũng dần sống nhanh, sống gấp hơn rất nhiều. Nhiều người cho rằng, cuộc sống này quả thực rất ngắn ngủi, bởi thế, ta phải nhìn thấy nhiều thứ và trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Lối suy YOLO (You Only Live Once – Bạn chỉ sống có một lần) cũng là nguyên nhân hình thành nên lối suy nghĩ ấy và dường như, nó đang dần bị lạm dụng bởi các phương tiện truyền thông xã hội. Kết quả là chúng ta luôn sống trong trạng thái FOMO cùng nỗi sợ triền miên rằng ta đang phải bỏ lỡ thứ gì đó.
Cùng với sự phát triển của mạng Internet, thông tin được cập nhật từng phút, từng giây. Ngủ sớm một đêm dậy cũng có thể trở thành “người tối cổ”. Dần đà, ai cũng mang trong mình một nỗi sợ bị bỏ lỡ một điều gì và cứ thế chạy theo tin tức trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách thụ động khiến cho ta luôn ở trong tình trạng bị ép buộc phải so sánh bản thân mình với người khác, khiến cho ta cảm thấy không bằng lòng với các điều kiện sống hiện có và cảm thấy bị thiếu hụt hay bỏ lỡ những điều người khác có được.

… đến JOMO!
JOMO là khái niệm đối ngược của FOMO, JOMO (hay Joy Of Missing Out) dùng để chỉ niềm vui khi bỏ qua những gì được cho là vui mà người khác làm, từ đó tập trung vào điều khiến bản thân thực sự hạnh phúc.
JOMO là lối sống giúp ta học cách “say no” và chỉ ưu tiên vào những gì quan trọng, tập trung vào hiện tại, xóa bỏ những phiền lo tiêu cực và ngừng so sánh bản thân với người khác.
Nguồn gốc của JOMO
Thuật ngữ “JOMO” được xuất hiện lần đầu khi một doanh nhân viết về nó trên blog của mình năm 2012. Sau đó, NXB New Society đã cho ra đời quyển sách The Joy of Missing Out: Finding Balance in a Wired World viết bởi tác giả Christina Crook.
Một vài người cho rằng JOMO cũng phát triển từ việc người Do Thái quyết định dừng mọi công việc từ thứ Sáu đến thứ Bảy, không tương tác mạng xã hội và từ đó cũng không sợ hãi vì mình phải bỏ lỡ điều gì đó mà người khác đang làm để tận hưởng một ngày trọn vẹn và sống trong hiện tại.
Tại sao ta nên JOMO và “enjoy mấy cái moments” này?
Có một sự thật là ta là người đi tìm hạnh phúc và hạnh phúc chỉ trọn vẹn khi ta biết thế nào là đủ. Việc dành cả ngày dài để lướt mạng xã hội và cảm thấy ghen tị vì cuộc sống của người khác, cảm thấy bị bỏ lỡ những thú vui mà học đang trải qua không khiến cho ta hạnh phúc hơn. Không có những trải nghiệm như người khác, không có mặt ở những nơi đông vui không đồng nghĩa với việc ta đánh mất đi niềm vui trong thế giới của riêng mình.
Khi FOMO khiến ta quên đi thế nào là đủ, thậm chí kéo ta vào những cuộc chơi không hồi kế thì JOMO sẽ giúp ta tập trung vào đúng việc, đúng chỗ, đúng người. Từ đó, quan tâm và theo đuổi những điều tốt đẹp ở hiện tại, ngay trong tầm tay của mình chứ không phân tâm bởi bất kỳ ai khác.
“Niềm vui bỏ lỡ” đến từ sự chủ động nhìn nhận ra được điều gì là quan trọng nhất với bản thân, tập trung cho hiện tại và trân trọng những gì mình đang có. Đừng để mạng xã hội âm thầm đánh cắp đi thời gian quý báu của ta và kéo ta vào vòng xoáy của những ganh đua không đáng có.
Làm thế nào để JOMO?
Áp dụng JOMO ngay không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi chúng ta luôn “bơi” trong ngập tràn thông tin của mạng xã hội. Tuy nhiên ta luôn có thể tận hưởng “niềm vui bỏ lỡ” ấy bằng việc thử những cách dưới đây:
Tắt điện thoại khi không thực sự cần đến
Tắt các thiết bị liên hệ công việc khi đang trong kì nghỉ dưỡng
Dành thời gian detox mạng xã hội
Lắng nghe bản thân và dành thời gian cho chính mình
Tập trung vào việc mình đang làm
Dừng việc Multitask
Học cách nói “không”
JOMO thực sự giúp chúng ta hiểu mình hơn và gắn kết bản thân với thực tại hơn. Dừng việc lo lắng cho tương lai hay những điều nằm ngoài tầm kiểm soát, hãy dũng cảm chối bỏ những cám dỗ của cảm giác “sợ bỏ lỡ”, tập trung vào những gì đang diễn ra và sử dụng thời gian một cách khôn ngoan cũng như trân quý hơn những điều mình đang có.
be present.
Nguồn tham khảo cho bài viết: Spiderum, Vietcetera