Hồi đó mình cũng có thắc mắc như vậy nè, nhưng mà trước khi trả lời tại sao có những phong tục trên thì tìm hiểu xíu về Tết Trung Thu nha!
🌕Trung Thu là gì?
Trung Thu tức giữa mùa thu, rơi vào ngày Rằm (ngày 15) tháng 8 âm lịch, là một dịp được xem là ngày lành tháng tốt để tiên đoán mùa màng và cũng là một dịp Tết để trẻ nhỏ cùng nhau vui chơi.
Ngoài ra, người xưa luôn có quan niệm mỗi người luôn có một sợi dây liên hệ kết nối với vầng trăng. Trăng tròn hay khuyết đều ứng với bao hỉ nộ ái ố, sum họp chia ly trong đời người. Chính vì thế, vào ngày trăng tròn đầy vào đêm Rằm tháng 8, con người ta sum họp lại với nhau, Tết trung thu cũng vì thế mà còn được gọi là tết đoàn viên.
🌕Trung thu có ở Việt Nam từ bao giờ?
Theo những nghiên cứu khảo cổ, các nhà khảo cổ học cho rằng tết Trung Thu đã có ở Việt Nam từ rất lâu về trước và được in dấu tích trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Trên văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được tổ chức như một sự kiện chính thức tại Kinh Thành Thăng Long cùng nhiều tục lệ còn lưu truyền đến ngày nay như rước đèn, đua thuyền, múa rối nước… Đến thời vua Lê - chúa Trịnh, Trung Thu còn được tổ chức cực kỳ linh đình trong phủ Chúa xa hoa.
Trong dân gian xưa nay cũng lưu truyền nhiều sự tích trong dân gian về nguồn gốc ra đời của Tết trung thu như sự tích chị Hằng, chú Cuội, chuyện nhà vua dạo chơi cung Trăng đêm Rằm tháng Tám hay sự tích Thỏ Ngọc cung trăng…

🌕Tại sao lại rước đèn, thả đèn trời, hoa đăng vào đêm Trung Thu?
Tục rước đèn có từ đời nhà Tống, tục truyền rằng vào đời vua Tống Nhân Tông, có một con cá chép biến thành yêu. Mỗi đêm trăng lên thì cá lại hiện thành con gái để đi hại người, bấy giờ viên quan Bao Công đã hạ lệnh cho dân gian làm đèn con cá như hình dạng của nó rồi đem ra ngoài đường đi rước đèn để cá chép hóa yêu sợ không dám hại người.
Còn theo sách Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính có ghi chép lại rằng tục rước đèn, treo đèn có từ đời nhà Đường. vào ngày sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, thiên hạ treo đèn ăn mừng, từ đó thành tục.
Tục rước đèn cũng dần được lưu truyền vào Việt Nam, người Việt tổ chức hát Trống Quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình” và treo đèn kéo quân trong dip tết trung thu. Hình ảnh đèn lồng mỗi dịp tết trung thu được treo lên và trẻ con hay cầm đi rước đèn biểu trưng cho sự cầu nguyện may mắn bình an, ấm no hạnh phúc gia đình.

Ngoài ra, một số còn được làm thành dạng đèn hoa đăng, ghi những ước nguyện vào thả trôi theo dòng nước mang lời ước nguyện đi xa. Cùng với đó, người Trung Hoa còn có tục thả đèn Khổng Minh vào mỗi dịp trung thu. Đây là loại đèn có kích thước lớn, giấy được dán xung quanh và thắp nến ở giữa, sau đó sẽ viết ước nguyện lên trên và thả lên bầu trời. Từng ngọn đèn lấp lánh được gửi đến bầu trời cao tựa như những ngôi sao sáng lấp lánh gửi đến các vị thần linh những lời thỉnh cầu của con dân. Thả hoa đăng xuống nước hay lên trời cũng được hiểu như là một cách gửi lời nhắn nhủ, lời mong cầu bình an đến những người thân ở bên kia thế giới để cùng nhau sum họp, cùng nhau có một Tết Đoàn Viên trọn vẹn nhất vào ngày Tết biểu trưng cho sự tròn đầy, viên mãn này.
Tham khảo: https://tamlinh.org/