
Tiếp nối sự thành công của các bộ phim lấy đề tài thảm họa như Train to Busan (2016), The Flu (2013), Hạ cánh khẩn cấp (Emergency Declaration) là bộ phim mới nhất khai thác đề tài thảm họa hàng không trên màn ảnh Hàn Quốc.
Hạ cánh khẩn cấp (Emergency Declaration) với sự quy tụ của loạt diễn viên nổi tiếng cùng sự chắp bút của đạo diễn Han Jae Rim – người từng rất thành công với siêu phẩm The Face Reader (2013), không mấy ngạc nhiên khi Hạ cánh khẩn cấp lại nhận được nhiều kỳ vọng từ khán giả và được báo đài ví von như “Train to Busan” bản trên không. Tuy nhiên đối với một khán giả vừa trải nghiệm xem xong bộ phim này, mình cũng không cho rằng bộ phim này tệ, nhưng cũng không thể đánh giá đây là một bộ phim xuất sắc.
Bài review dưới đây có thể chứa spoil!
Đầu tiên chúng ta cùng nói qua nội dung chính của bộ phim
Hạ cánh khẩn cấp lấy bối cảnh chủ yếu trong một chiếc máy bay khởi hành từ Seoul đến Hawaii mang theo 150 hành khách và phi hành đoàn. Chiếc máy bay xấu số bất ngờ bị tấn công bởi một loại vi-rút sinh học có khả năng gây chết người trong thời gian ngắn được gây ra bởi một tên khủng bố có vấn đề tâm lý. 150 người mắc kẹt trên không trung, virus thì không ngừng lây lan và máy bay liên tục bị từ chối hạ cánh. Những con người trên chuyến bay này bị đẩy đến bờ vực của sự sống và cái chết. Bộ phim lấy đề tài khủng bố sinh học nhưng hướng đi chính của nó không xoay quanh việc xử lý virus mà tập trung vào tâm lý tuyệt vọng của những con người bị phơi nhiễm ở trên không trung, cũng như những cố gắng cứu vớt chiếc máy bay và hành khách của những người ở dưới mặt đất.
Trước tiên chúng ta hãy cùng điểm qua những điểm đáng khen của bộ phim
Trước hết, Emergency Declaration mang đến sự mới mẻ bằng cách kể chuyện độc đáo, phần lớn nội dung được chia thành câu chuyện trên không và câu chuyện mặt đất. Mỗi câu chuyện đều có những tuyến nhân vật riêng biệt nhưng đều gắn kết với nhau thông qua hành trình giải cứu chiếc máy bay xấu số. Kỹ thuật quay là một trong những điểm mạnh mà bộ phim đã làm rất tốt. “Emergency Declaration” đã cho ra mắt một chiếc máy bay với kích cỡ thực tế, thỏa mãn các giác quan của khán giả dựa trên trải nghiệm mang đến cảm giác sợ hãi như thể đang ngồi trên chính chuyến bay. Cảnh máy bay cất cánh ở đầu phim, cảnh hạ cánh ở sân bay Narita, cảnh hạ cánh khi hết nhiên liệu ở cuối phim đều là những cảnh quay “chất lượng”. Trong phân cảnh hỗn loạn mất phương hướng do không có cơ trưởng điều khiển, bộ phim đã thực hiện các chuỗi quay 360 độ được coi là nhãn quan độc đáo nhất đến với trải nghiệm xem.
Hạ cánh khẩn cấp lấy chủ đề là khủng bố sinh học dễ dàng khiến chúng ta gợi lại những ký ức của những ngày tháng bùng dịch COVID-19, khi có một loại virus nguy hiểm đe dọa tính mạng chưa có vaccine và thuốc điều trị, nó là những ngày căng thẳng và bức bách đến độ tuyệt vọng. Hạ cánh khẩn cấp thể hiện tính nhân văn cốt lõi của con người giữa vô vàn sự sợ hãi tuyệt vọng khi phải đứng giữa lằn ranh giữa sống và chết, con người vẫn có thể lựa chọn chiến thắng sự ích kỷ trong mình.
Những điểm chưa tốt ở phim
Emergency Declaration là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc về thảm họa hàng không, đã có thể được nhớ đến như một bộ phim kinh điển nếu như không vì sự hư cấu và một kịch bản cũ kĩ, thiếu đột phá cùng với đó là những cú twist dễ đoán. Với ngân sách lên đến 25 tỉ won, bộ phim nhận được những phê bình như là một bộ phim không có gì hơn ngoài những hậu cảnh hoành tráng với dàn diễn viên triệu đô. Bộ phim đã cố gắng kể câu chuyện về những con người chống lại thảm họa khi bị mắc kẹt trên máy bay, nhưng thế mạnh của bộ phim lại là diễn biến máy bay rơi thay vì câu chuyện chính. Điều đáng tiếc lớn nhất của bộ phim là không có một plot cụ thể cùng với những chi tiết khó có thể đưa ra lời giải thích hợp lý. Ngay cả khi bộ phim đã quy tụ dàn diễn viên thực lực trong đó có hai người đã từng đoạt giải Cannes, cộng với khoản chi phí kếch xù cũng không thể cứu vãn một kịch bản tầm trung với một cốt truyện dễ đoán.
Vai phản diện của Im Si Wan trong Emergency Declaration là một sự lột xác đầy ngoạn mục của anh. Tuy nhiên câu chuyện về nhân vật phản diện này lại là một đáng tiếc khác của bộ phim. Việc tiết lộ nhân vật này từ rất sớm đã khiến cho độ bí ẩn giảm đi đáng kể, và quan trọng nhất là sự xuất hiện không đủ đậm sâu mà nhân vật này đem lại. Một nhân vật phản diện quá dễ đoán, câu chuyện tâm lý background của nhân vật được khai thác quá hời hợt chủ yếu là qua lời kể của các nhân vật khác, khiến cho mọi hành động điên rồ của nhân vật này đều trở nên thiếu thuyết phục. Màn thể hiện của Im Si Wan chính là sự cứu vớt lớn nhất cho sự nhạt nhòa của nhân vật này.
Nhân vật người cha do Lee Byung-hun thể hiện gợi nhắc khá nhiều đến người cha trong Train to Busan. Cả hai bộ phim đều lấy hình tượng giống nhau là hai cha con và thiếu vắng hình ảnh người mẹ, trong suốt cuộc hành trình người cha thể hiện tình yêu mãnh liệt dành cho con và dần thay đổi để hoàn thiện mình hơn. Tuy nhiên việc thể hiện tình cảm của hai cha con trong Emergency Declaration lại chưa diễn tả một cách sâu sắc để đem lại những cảm xúc thật sự “chạm” đến người xem. Hoặc vì xây dựng tuyến nhân vật quá giống nhau, khiến cho việc đi vào “lối mòn” đã khiến không còn khiến cho những cảm xúc như lần đầu chạm đến khán giả.
Nhân vật người thanh tra hết lòng yêu thương vợ, sẵn sàng làm tất cả để cứu vợ lại là một kiểu nhân vật khá quen thuộc đã được khai thác trong Train to Busan. Tuy nhiên sự khác biệt của Emergency Declaration là khoảng cách địa lý của hai vợ chồng khiến cho hành động quyết liệt quá mức của ngài thanh tra chưa đủ thuyết phục được người xem như là người chồng trong Train to Busan khi người vợ đang mang thai và ngay bên cạnh anh.
Những nhân vật phụ khác của Emergency Declaration gần như không có một điểm nhấn đặc biệt nào, và một số nhân vật được miêu tả một cách thiếu logic, trong khi Train to Busan lại làm rất thành công điều này. Một thời lượng 180 phút là không đủ để Emergency Declaration khai thác đủ các nhân vật này trong khi tuyến nhân vật chính vẫn còn chưa đủ sâu sắc.
Càng về cuối, tình tiết của bộ phim càng trở nên khá “kịch” và cuối cùng là một cái kết quá an toàn. Mọi sự hy sinh cao cả của các hành khách là khá chóng vánh và gượng ép, phân cảnh nói lời tạm biệt của các nhân vật dài dòng khiến cho bộ phim mang đậm tính drama Hàn Quốc hơn. Một cái kết “non tay” đã khiến cho sự trăn trở của người xem dành cho bộ phim bị giảm đi đáng kể, một cái kết khó đoán hơn đã có thể giúp bộ phim đọng lại những ấn tượng sâm đậm hơn với khán giả.
Tổng kết, thì Hạ cánh khẩn cấp là một bộ phim xem được, đủ cảm động và tròn vai về tâm lý tình cảm con người trong một thảm họa. Tuy nhiên với những người xem khó tính thì bộ phim này chưa tạo được những dấu ấn đủ sâu sắc như những bộ phim tiền nhiệm về thảm họa như The Flu, Train to Busan đã làm được. Hạ cánh khẩn cấp là một bộ phim không tệ nhưng cũng chưa đủ xuất sắc cho đến hiện tại.