Mình nghĩ ở đây ai cũng đã rơi vào tình huống ngại ngùng khi không biết nói gì với những người mới quen trong lớp, ở câu lạc bộ, công ty, hay khi họp hành gì đó đúng không? Mình mới phát hiện ra 1 kỹ thuật có tên là “Ice Breaker”, đọc thử xem nha
Kỹ thuật Ice Breaker (Kỹ thuật phá băng) là gì?
Hiểu theo một nghĩa bóng, là khi một/những người lạ mới bắt đầu bước vào một môi trường mới thì sẽ có một sự xa cách, rào cản nhất định giữa mọi người, cảm giác như có các tảng băng bao quanh họ vậy đó. Thì Ice Breaker hay “phá băng” chính là các hoạt động, trò chơi tạo ra để xóa đi “lớp băng” này, “làm nóng” bầu không khí, giúp cuộc đối thoại giữa mọi người trong buổi họp, lớp học, câu lạc bộ, những người mới tham gia vào môi trường đó sẽ cảm thấy thoải mái để chia sẻ, tương tác với mọi người nhiều hơn.
Nói đâu xa, việc làm quen với một người bạn mới, hay đi phỏng vấn, mọi người cũng có thể áp dụng Ice breaker để tăng hiệu quả của cuộc trò chuyện nữa nè. Nói chung là kỹ thuật này có thể áp dụng bất cứ trường hợp nào cũng được luôn.

Tại sao cần đến kỹ thuật Ice Breaker (kỹ thuật phá băng)?
Kỹ thuật Ice Breaker có thể tạo ra bầu không khí vui vẻ và giúp những người tham gia bắt đầu với tâm lý thoải mái. Điều này sẽ khiến các cuộc trò chuyện sau đó giữ được sự sôi nổi và những người tham gia, đặc biệt là những người mới sẽ có sự tham gia, tương tác tích cực hơn, từ đó gia tăng hiệu quả của buổi học, buổi họp,…
Trong các cuộc họp, các buổi đàm phán, việc tạo ra không khí vui vẻ ban đầu sẽ giúp gia tăng khả năng đàm phán thành công, do có nghiên cứu chỉ ra rằng các cảm xúc vui vẻ sẽ giúp nâng cao khả năng ra quyết định, kích thích khả năng giải quyết vấn đề theo hướng tăng lợi ích chung đó.
Cách giao tiếp hiệu quả hơn với kỹ thuật Ice Breaker
Dưới đây là 1 số tip mình đã áp dụng và thấy khá hiệu quả khi áp dụng Ice Breaker vào các cuộc đối thoại hàng ngày
Nói chuyện về những điều gần gũi trong môi trường của nhau
Mình thường áp dụng cách này khi làm quen với bạn mới quen trong lớp, đồng nghiệp mới, meeting với 1 số bạn mới. Các câu hỏi có thể đề cập là hỏi về:
+ ngành học (ngành gì? học vui không? có nhiều trai xinh/gái đẹp không?)
+ trường học (trước đây học trường nào? trường đó giáo viên dạy ổn không? có đứa em chuẩn bị vào học ĐH thì có nên vào trường đó không? Trước hay đi qua trường đó thấy đồng phục đẹp,…)
+ hay đơn giản là những yếu tố khách quan xung quanh (thời tiết nóng bức nhỉ, triều cường lên không biết xe có chết máy không,…).
Tìm ra điểm chung giữa bạn và đối phương
Điều này sẽ được áp dụng khi bạn hỏi về những điều gần gũi bên trên và tìm ra được điểm chung giữa 2 người, ví dụ như chung trường Đại học chẳng hạn, thì có thể hỏi thêm về những thay đổi ở trường, kể về kỷ niệm ở trường,… như vậy sẽ giúp đối phương và bạn cảm thấy gần gũi, bớt xa cách hơn.
Ngoài ra, kỹ thuật Ice Breaker còn được ứng dụng qua 1 số game, thường được dùng trong các lớp học, các buổi team building như: 2 truths 1 lie, tìm ra điểm chung giữa mọi người,… mọi người có thể tham khảo thêm
Tham khảo: nguồn 1, nguồn 2