Sức mạnh của cơn bão Corona thực sự phải khiến cả thế giới phải điêu đứng. Không chỉ gây thiệt hại về số lượng con người, corona còn làm cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Một chính sách mà chúng ta được nghe không ít lần trong thời Covid chính là “đóng cửa”, thực hiện giãn cách xã hội. Các chính sách này tuy đã giúp chúng ta một phần không nhỏ vào việc kiểm soát đại dịch, nhưng vô tình lại làm ngành du lịch bị lung lay, điển hình là hệ thống Airbnb với tốc độ đi xuống đáng kể.
Airbnb là gì?

Nguồn: PayPal
Airbnb là cụm từ viết tắt từ Airbed and Breakfast. Đây là một dịch vụ di động nhằm kết nối người cần thuê nhà, chỗ ở với những người có nhu cầu cho thuê nhà và chỗ ở. Người cần thuê chỉ cần nhập nơi mong muốn, xác nhận thì địa chỉ của căn hộ sẽ được gửi đến. Tất cả việc thanh toán sẽ được thông qua ứng dụng này và nó sẽ thu khoản phí trung gian với cả người thuê và người cho thuê. Airbnb còn được ví von vui là Uber của ngành khách sạn.
Airbnb đã cách mạng hóa ngành du lịch Việt, kể từ khi dịch vụ này ra đời, hàng trăm ngàn người dùng sở hữu bất động sản đã thông qua nền tảng này để tạo thu nhập cho bản thân, và một vài trường hợp còn biến nó thành nguồn thu nhập chính cho mình.
Thị trường Airbnb thời Covid
Không thể phủ nhận được ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid đối với nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Nguồn: Báo Đồng Nai
Với sự tê liệt của ngành du lịch, Airbnb đã chính thức cắt 25% nhân sự để giảm chi phí hoạt động và nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh để tồn tại.
Với đặc thù thuê từ chủ rồi cho thuê lại qua Airbnb, gánh nặng lớn nhất với các chủ đầu tư sẽ đến từ tiền thuê nhà hằng tháng, bên cạnh đó còn là các chi phí xung quanh việc vận hành.
Bên cạnh đó, vẫn còn một trở ngại khác trong mùa dịch. Chủ đầu tư phải bận tâm cả về lịch trình di chuyển của vị khách. Hiện hoàn toàn không có công cụ nào giúp theo dõi lộ trình của khách, nên nhiều người vẫn lo rằng chính căn nhà của mình sẽ trở thành điểm bùng phát dịch mới. Điều đó khiến nhiều chủ đầu tư không dám nhận khách nước ngoài, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu bị giảm.
Không chỉ vậy, đối diện các khó khăn tài chính, nhiều chủ đầu tư buộc phải tạm ngưng cộng tác với các nhân viên của mình để giảm tối đa chi phí phải trả.
Airbnb đối với Việt Nam là một thị trường sôi động vì giúp việc cho thuê phòng ngắn hạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, số lượng Airbnb đã giảm mạnh đến 40% trong đầu quý 2-2020 do chịu tác động mạnh từ dịch bệnh đang bùng phát ở nhiều quốc gia.
Trên thế giới, thị trường Airbnb cũng không có vẻ gì khá khẩm hơn. Một bản báo cáo của công ty phân tích thị trường nhà nghỉ dưỡng cho thuê Transparent cho thấy số lượng đặt chỗ tại Tây Ban Nha đã giảm đến 98% kể từ khi lệnh phong tỏa được thực hiện vào ngày 14/3. Khả năng thị trường này nhanh chóng phục hồi là rất khó, và tại Tây Ban Nha, ngành công nghiệp du lịch dường như đã “chốt sổ” năm 2020 và đợi đến năm sau mới hoạt động trở lại. Ian Brossat, Phó thị trưởng Paris phụ trách mảng nhà ở, cho biết hoạt động của Airbnb đã “sụp đổ” ở Paris, và các host mới chỉ đăng ký với chính quyền khoảng 40 khách đến ở trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4, so với con số trung bình là 1.210 mỗi tháng vào năm ngoái và nghiên cứu của trang phân tích AirDNA cũng cho thấy lượng đặt phòng ở nhiều thành phố đã giảm đến 96%.
Về phía Airbnb
“Chúng tôi mất 12 năm để gây dựng nên Airbnb, và chúng tôi mất gần như mọi thứ chỉ trong 4 - 6 tuần”. Đó là phát biểu của Brian Chesky, Giám đốc điều hành (CEO) của Airbnb trong một buổi phỏng vấn mới đây với kênh CNBC.

Nguồn: baomoi.com
Đây cũng là thảm họa đối với Chesky và số lượng lớn nhân viên đang nắm giữ quyền mua cổ phiếu của Airbnb. Startup này đã lên kế hoạch “lên sàn” trong năm nay, thương vụ mà nhiều nhà đầu tư hy vọng sẽ định giá startup công nghệ 11 năm tuổi này ở mức 42 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong một buổi thuyết trình gần đây, ông Chesky đã thông báo với các nhân viên công ty rằng Airbnb đã hạ giá trị công ty xuống 26 tỷ USD, thấp hơn cả mức 31 tỷ USD được định giá khi Airbnb huy động vốn từ các nhà đầu tư vào tháng 9/2017, theo tờ Financial Times.
Các nhân viên của Airbnb vẫn đang hối thúc lãnh đạo công ty này đẩy nhanh kế hoạch IPO vì các quyền mua cổ phiếu được cấp cho nhân viên sẽ bắt đầu hết hạn vào tháng 11 năm nay. Nói cách khác, các cổ phiếu này sẽ trở nên vô giá trị nếu Airbnb không “lên sàn”.
Airbnb liệu còn có thể vực lại?
Với tình hình hiện tại, đại dịch chắc hẳn vẫn còn dài và cuộc chiến sống còn của Airbnb vẫn còn phải tiếp diễn. Một số chuyên gia về phân tích và nghiên cứu thị trường còn cho rằng Airbnb hiện tại đang ở tình trạng không thể tồi tệ hơn và họ không thể làm gì để cải thiện tình trạng này.
Và thậm chí, ngay cả khi Airbnb vượt qua được đại dịch thì chắc chắn Airbnb cũng phải có nhiều thay đổi lớn trước tình hình mới với nhiều biến động đáng kể.
Còn bạn thì sao?
Theo bạn Airbnb có sống sót qua cơn bão hãy đây sẽ là một dấu chấm hết của hệ thống này?
Nguồn tham khảo:
cet.edu.vn
genk.vn
cuoituan.tuoitre.vn
vietnamfinance