Từ ngày lên thành phố học mình mới để ý thấy có 1 điểm ở thành phố rất khác với ở quê là bầu trời về đêm mọi người ạ. Mình đã từng thắc mắc với mấy đứa bạn chung cấp 3 là sao ở quê mình thấy nhiều sao lắm mà ở thành phố thì lâu lâu mới thấy vài ngôi sao, mặc dù tụi mình ở trên chung cư cao tầng, tối nào cũng ra cửa sổ ngắm trời mây luôn ấy.
Sau này, mình vô tình biết đến Ô nhiễm ánh sáng (Light Pollution) thì mình mới hiểu tại sao ở các thành phố lớn lại không thấy nhiều sao như vậy. Trước giờ toàn nghe ô nhiễm nước, không khí,.. giờ nghe ô nhiễm ánh sáng thấy lạ đúng không mọi người, bạn nào chưa biết về Ô nhiễm ánh sáng (Light Pollution) thì đọc bài của mình bên dưới nè:

Ô nhiễm ánh sáng (Light Pollution) là gì?
Ô nhiễm ánh sáng là việc sử dụng ánh sáng nhân tạo không thích hợp hoặc quá mức, thường xảy ra ở các thành phố lớn.
Các thành phần của ô nhiễm ánh sáng bao gồm:
Chói lóa - độ sáng quá mức gây khó chịu cho thị giác
Quầng sáng (Sky glow) - bừng sáng bầu trời đêm trên các khu vực có người ở
Light trespas - ánh sáng chiếu đến những nơi không mong muốn hoặc không cần thiết
Clutter - Cụm sáng, nhóm nguồn sáng chói lọi, khó hiểu và quá nhiều

Ô nhiễm ánh sáng (Light Pollution) ảnh hưởng như thế nào?
Ảnh hưởng tới đời sống con người: Giống như hầu hết sự sống trên Trái đất, con người tuân theo nhịp sinh học được điều chỉnh bởi chu kỳ ngày-đêm. Ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể phá vỡ chu kỳ đó.
Cơ thể chúng ta sản xuất hormone melatonin để đáp ứng với nhịp sinh học. Melatonin giúp giữ cho chúng ta khỏe mạnh. Nó có đặc tính chống oxy hóa, gây ngủ, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm cholesterol và giúp hoạt động của tuyến giáp, tuyến tụy, buồng trứng, tinh hoàn và tuyến thượng thận. Tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm ngăn chặn sản xuất melatonin, dẫn đến một số tình trạng như: rối loạn giấc ngủ, đau đầu, mệt mỏi cho người lao động, căng thẳng, một số dạng béo phì do thiếu ngủ, tăng lo lắng,..
Phá vỡ các hệ sinh thái: ô nhiễm ánh sáng có tác động tiêu cực đến sinh lý thực vật và động vật, tương tự như cách mà nó làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của con người ở trên
Lãng phí năng lượng: việc chiếu sáng không cần thiết ở các thành phố lớn không chỉ làm tốn một lượng điện tiêu thụ lớn mà còn tăng lượng khí thải CO2 gây nên hiệu ứng nhà kính.
Cản trở việc quan sát, nghiên cứu thiên văn: Thông thường, mắt người có thể nhìn thấy khoảng 2.500 ngôi sao riêng lẻ mà không cần sử dụng bất kỳ thiết bị đặc biệt nào. Nhưng vì ô nhiễm ánh sáng, chúng ta chỉ nhìn thấy 200 - 300 ngôi sao từ các vùng ngoại ô và chỉ vài ngôi sao từ thành phố mà thôi. Đây cũng là câu trả lời mà mình mãi luôn thắc mắc đó 🙃
⭐ Tuy nhiên!
Tin tốt là ô nhiễm ánh sáng, có thể khắc phục được và mỗi chúng ta đều có hạn chế việc ô nhiễm ánh sáng! Bạn có thể bắt đầu bằng cách giảm thiểu ánh sáng từ nhà riêng của bạn vào ban đêm thông qua việc tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hoặc tham gia ‘Giờ trái đất’ được tổ chức mỗi năm nè.
Nhưng mà thật ra do Ô nhiễm ánh sáng thực sự chưa được nhiều người biết đến, nên các hành động, chương trình nâng cao nhận thức về giảm thiểu Ô nhiễm ánh sáng cũng chưa nhiều. Bạn nào có thông tin gì về các chương trình giảm thiểu Ô nhiễm ánh sáng chia sẻ cho mình biết với nhé!
Tham khảo: darksky.org ; globeatnight.org ; kids.nationalgeographic.com