THIÊN THỊNH TRƯỜNG CA - NỐT NGÂN TRONG BẢN GIAO HƯỞNG TRẦM BUỒN CỦA ĐIỆN ẢNH CỔ TRANG TRUNG QUỐC.
Thiên Thịnh Trường ca là bộ phim cổ trang đáng xem nhất năm 2020. Đương nhiên, đây là ý kiến chủ quan của tôi. Còn nhớ, khi bắt đầu Thiên Thịnh Trường Ca, tôi click vào rồi lại click ra, xem được 10 phút đầu, mãi chẳng thấy trai xinh gái đẹp tình tiết éo le, tay ba tay bốn, nản quá, tắt đi tìm phim khác. Quả thực, Thiên Thịnh Trường Ca không phải một bộ phim bình thường. Nhưng nói như vậy, chẳng lẽ đây là một bộ phim bất thường? Nếu tôi nói “đúng, rất bất thường”, liệu bạn có còn tiếp tục đọc những gì tôi sắp viết không?

Nguồn ảnh: Saostar
Trái với những bộ phim cổ trang Trung Quốc một vài năm gần đây, Thiên Thịnh Trường Ca khiến tôi băn khoăn day dứt “click ra click vô” bởi ngay từ những phút đầu, bối cảnh, trang phục – tức yếu tố hình ảnh, đã rất chỉn chu, chân thật, và…hợp lý. Không một chi tiết nào khiến tôi cảm thấy phản cảm, thừa thãi. Chỉ với chi tiết này, tôi đã muốn cho bộ phim thêm nhiều cơ hội.
Thứ hai, tôi quá ấn tượng với màn “chào sân” của nam chính cùng các diễn viên khác. Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh, “các diễn viên khác” chứ không phải “các diễn viên phụ”. Mỗi nhân vật trong phim đều đóng vai trò quan trọng trong mắt xích mạch truyện xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại, đến tương lai. Thiên Thịnh Trường Ca là phim “cung BA đấu” – đấu trí, đấu dũng, đấu mưu. Có trí có dũng - ấy là kẻ quân tử. Nhưng phải mưu mô, phải xảo quyệt - ấy là kẻ có được thiên hạ. Ngay từ những phút đầu, không khí đã có chút căng thẳng, đè nén. Mỗi nhân vật đều mang toan tính, mưu mô riêng; không một ai là “dạng vừa đâu”. Nếu đã quen với lối dẫn nhanh, mạnh, đánh thẳng vào trực quan của những bộ phim thương mại, “thần tượng”, khán giả sẽ không tránh khỏi có chút đuối.

Nguồn ảnh: kenh14
Nếu nói về nhân vật nam chính - Sở vương Ninh Dịch, có thể nói là “có một không hai”. Y là kẻ hội tụ cả ba “mưu”, “trí”, “dũng”.
Ninh Dịch là người tôi cho rằng nhìn vào nên e sợ. Thoạt tiên chính là một kẻ thật giả bất phân, thật thật giả giả. Nghe lời nói không đoán được hành động, nhìn hành động không hiểu được tâm ý. Trần Khôn đóng vai này, mỗi ánh mắt cử chỉ đều toát lên một vẻ già đời, kịch cỡn, kịch hý chưa tàn đã vén màn thi sự. Trong lòng luôn canh cánh trả thù cho Tam ca, rồi lại mải miết chạy theo hơi ấm xa vời của mẹ trong hoài niệm, rồi lại chua chát thân phận Hoàng tử con Vua, không thể bước ra khỏi chấp niệm tranh đấu. Ninh Dịch do Trần Khôn không hoàn hảo - rất đời, và cũng đầy méo mó trong sự nhào nặn của chốn Cung đình nghiệt ngã. Nhiều lần nguy nan, từng bước kế hoạch dày công đến phút chót lại lật kèo đổ bể. Dù thông minh tuyệt đỉnh, trí dũng song toàn nhưng vẫn để vuột mất người trong tim, mẹ bị hãm hại ngay trước mắt, bản thân bước lên Thừa Minh Điện làm vua của thiện hạ Thiên Thịnh rộng lớn. Thiết nghĩ, người như y, nếu không đứng đầu thiên hạ, thao túng đất trời, thì thiên hạ này cũng khó dung nổi. Y sinh ra trong Hoàng quyền, phận đã định phải chết trong quyền uy hoàng tộc.
Chưa bao giờ, tôi lại bắt gặp trên màn ảnh một hình tượng nam chính “cá tính”, điêu ngoa, chua chát, thảm hại, và cô đơn như vậy. Nhưng cũng rất lâu rồi, tôi cũng mới bắt gặp một nam chính “man”, trần trụi, và uy mãnh đến thế. Đối với người thương, không một câu nói, không một lời hỏi, không một cử chỉ dịu dàng, thậm chí, đến cái nhíu mày y cũng lười cho chị. Ninh Dịch đối với Tri Vi, thậm chí đôi khi vô tình, lạnh nhạt. Đau lòng nhất, là không biết lúc nào y thật lòng, lúc nào y đang “diễn”, khoảnh khắc nào là y quan tâm, khoảnh khắc nào là y đang “lợi dụng”. Thế nhưng, Ninh Dịch do Trần Khôn thủ vai, cho tôi yên tâm một điều, rằng y đã yêu chị mất rồi, và người như y, khi đã yêu, chỉ có thể một đời một người duy nhất.
Sốt ruột nhất, là đến phút thứ 17 rồi vẫn chưa thấy nữ chính xuất hiện. Nữ chính thanh tú, những vận trang bình thường đến mức tầm thường. Làm gì có nữ chính nào, mà đến cả cái son môi đỏ cũng “lười” tô như Phượng Tri Vi do Nghê Ni thủ vai? Thế nhưng, tạo hình như vậy rất đúng, rất hợp với cá tính cũng như thân phận của Tri Vi.
Để nói về Tri Vi, có lẽ không kém phần Ninh Dịch. Đoạn tiếp đây có SPOILER kết phim, nên bạn cân nhắc trước khi click vào để đọc.
Phượng Tri Vi trí dũng có thừa, là một cô gái sống tình nghĩa, có nguyên tắc. Một cô gái tài giỏi, lạc quan, thiện tâm thiện đức, đáng nhẽ tất yếu phải có được hạnh phúc. Phải không? Đáng tiếc, sinh ra là Cô nhi Đại Thành Công chúa tiên triều, Phượng Tri Vi một lòng muốn quên đi quá khứ sống trong hiện tại, hết mình hiến kế vì xã tắc Thiên Thịnh, nhưng từng người mà cô yêu thương lại luôn nhắc nhở cô về thân phận kia. Công chúa là ai, Đại Thành là gì, mà khiến gia đình cô tan nát, từng người cô yêu lìa bỏ nhân gian. Riêng với nhân vật Tri Vi, tôi không đồng ý với kết cục cô gieo mình tự sát. Phượng Tri Vi mà tôi biết xuyên suốt 60 mấy tập phim sẽ tiếp tục sống, hưởng thụ cuộc đời, tin vào hạnh phúc và lòng tốt trong Nhân Gian. Lòng tốt ấy có thật, và hiện hữu; chính nó đã nhiều lần cứu mạng Tri Vi, và chính nó là một phần của Tri Vi. Cớ gì phải cưỡng ép để Tri Vi phải lựa chọn chết?

Nguồn ảnh: Ion.net
Ninh Dịch và Tri Vi, tuy khác mà giống, tựa như hai dòng chảy ngược, chạm đến nhau, hoà vào nhau, rồi lướt qua nhau. Mãi, mãi, mà chẳng thấy anh gặp chị. Muốn hai anh chị yêu nhau thì còn…khướt. Không dám tua, vì tua thì lỡ mất tình tiết quan trọng. Xem phim, mà vừa mong ngóng, vừa bất lực, vừa háo hức, vừa thấp thỏm. Bạn nào mà đã cày đến tập ba, tập bốn của phim, thì xác định hai mươi tư tiếng tới chỉ dành để cày nốt 67 tập còn lại.
Trong phim còn xuất hiện một Gia Cát Lượng, hài hết phần thiên hạ. Lão Lượng này, hai mang là trò cũ rồi, lão chơi hẳn bốn mang, năm mang. Còn mang “chính thất” lão dành cho ai, mời các bạn xem xong sẽ biết.
Tuy plot có chút tăm tối, nhưng set phim và nhạc nền lại nhẹ nhàng, vui vẻ. Càng về sau, mối liên kết giữa các nhân vật càng bền chặt. Tựa như một củ hành tầng tầng lớp lớp, càng bóc càng cay, càng bóc càng trần trụi, cũng lại như miếng bánh crepe ngàn lớp càng ăn càng nghiện, thật khó để ta phân định yêu ghét, đúng sai. Có thể chúng ta sẽ khó đồng cảm với mỗi lựa chọn mà từng nhân vật đưa ra, nhưng lại không kìm lòng được mà thương xót cho kết cục của họ.
Thiên Thịnh Trường Ca được làm dựa trên bộ truyện Hoàng Quyền của nhà văn Trung Quốc Thiên Hạ Quy Nguyên. Có lẽ, sẽ rất lâu nữa mới lại có một bộ phim cổ trang khiến tôi tâm đắc đến vậy, và rất lâu nữa, mới lại có một Ninh Dịch, Phượng Tri Vi khiến tôi khắc khoải, tiếc thương đến thế.
Tóm lại, một bộ phim quá chỉn chu về nội dung và hình ảnh, xứng đáng đầu tư thời gian.
Có thể bạn sẽ thích: