lamtue
Mình cũng khá thích về “xê dịch” nên mình chia sẻ theo góc nhìn cá nhân mình nhé.
Theo hiểu biết của mình, chủ nghĩa xê dịch là một tư tưởng của số đông người yêu chuộng những suy nghĩ mới mẻ và độc đáo. Nó thường liên quan đến lĩnh vực du lịch và rất nhiều bạn trẻ tham gia hiện nay. Họ là những người thích thử nghiệm mọi điều mới lạ, thích trải nghiệm và khám phá, từ đó góp phần làm mới cho cuộc sống hiện tại.
Người đam mê và có xu hướng “xê dịch” tức là thích tìm hiểu, khám phá nhiều điều mới lạ, thoát khỏi lối mòn tư tưởng cũ. Thích đi đến nhiều nơi, ngắm nhìn nhiều điều mới mẻ. Hay nói đúng hơn chủ nghĩa yêu xê dịch chính là thích đi du lịch và khám phá mọi địa điểm du lịch tại mọi nơi trong và ngoài nước.
- Có phải “xê dịch” là từ bỏ mọi thứ để theo đuổi đam mê?
Bạn có thể xê dịch bằng nhiều cách khác nhau, dịch chuyển vị trí làm việc đến một địa điểm khác, gap year hay chỉ đơn giản là tìm đáp án cho câu hỏi “bản thân mình là ai?”
Chúng ta phải hiểu, sâu xa hơn, “xê dịch” không đơn giản chỉ thể hiện ở việc chúng ta có thể dịch chuyển đến nhiều nơi khác nhau, đi được nhiều vùng miền mới lạ,… mà điều quan trọng chính là xê dịch trong tư tưởng, suy nghĩ của người trẻ. Chính bạn mới có thể làm mới, mở rộng tư tưởng của bạn mà không phải ai khác.
- Chủ nghĩa xê dịch của giới trẻ
Mình có biết đến câu chuyện của một cô gái trẻ đam mê xê dịch, chính là Phạm Mai Hương. Cô gái nghị lực nổi tiếng với hành trình chinh phục cung đường đến Everest Base Camp.
Dù có được công tác cố định nhưng cô luôn sống trong sự dằn vặt giữa ham muốn được khám phá những vùng đất mới với sự kỳ vọng của gia đình. Thế nhưng mỗi ngày trôi qua, “nỗi thèm khát xê dịch lại một dâng trào, đến mức cảm tưởng chỉ cần đụng đến là vỡ bung ra” và cuối cùng Mai Hương đã lựa chọn đam mê của mình.
Đến nay, cô đã đi hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, cũng như các tỉnh phía Nam và các nước như Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Hong Kong, Mông Cổ,… làm bạn với đại bàng, lạc đà trên đường đi.
Hay mới đây nhất là câu chuyện của anh Trần Đặng Đăng Khoa kết thúc hành trình sau 1.111 (hơn 3 năm) ngày đi khắp thế giới qua 65 quốc gia bằng chiếc xe máy mang biển số Việt Nam. Anh đi từ những nước phát triển ở Bắc u, Tây u, Bắc Mỹ, đến những nước nghèo hơn ở châu Phi, Trung Mỹ, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Đại Dương.
Bạn có thể lên Facebook của anh để đọc được bài chia sẻ về hành trình dài với biết bao trải nghiệp không tưởng này. Mình thật sự xúc động khi đọc từng câu chữ và xem từng bức ảnh của anh.
Cuối cùng, mình nghĩ “chủ nghĩa xê dịch” là tốt, là tích cực với giới trẻ và chẳng có gây hại gì. Chúng ta nên là thế hệ xông pha và khám phá nhiều hơn, về kiến thức, trải nghiệm, những câu chuyện và bản ngã của chính bản thân mình.
Đừng sợ và đừng ngại bước đi. Không phải khi vấp ngã trong cuộc sống, khi gặp những điều không may mà chúng ta mới lựa chọn thay đổi, lựa chọn xê dịch. Người trẻ nên hiểu rằng, “xê dịch” là lựa chọn cho bản thân mình được mở rộng ra, nó là một trong những nhân tố thiết yếu cho hành trình phát triển bản thân của mỗi người.