Bóng đá Việt Nam mình nói thật nhiều năm qua có những sự phát triển tốt như những thành công của các cấp độ đội tuyển tuy nhiên phải thừa nhận một vấn đề là giải vô địch quốc gia V- League coi còn thiếu hấp dẫn và chán lắm, nhiều khi khán giả đến sân đông chỉ vì sức hút của Quang Hải, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn,… chứ không phải đến xem một trận đấu hay giữa hai đội. Mặt khác, sự chuyên nghiệp của giải đấu vẫn còn là 1 vấn đề nan giải, và rồi từ đó những câu chuyện muôn thở lại xảy ra. Những ca chấn thương có lẽ là điều đã quá quen với các cầu thủ Việt, sau khi suy nghĩ thì tui đưa ra một số quan điểm như sau:
Đó là sự quá tải, việc liên tục thi đấu ở cường độ cao, không được nghỉ ngơi, làm cho các khối cơ phải hoạt động liên tục thì việc bị mệt mỏi và chấn thương là điều hiển nhiên. Đơn cử tiền vệ Quang Hải thi đấu xấp xỉ 120 trận trên mọi mặt trận từ 2018 đến nay - con số “khủng” hơn cả Ronaldo, và rồi đau dây chằng thôi.
Chất lượng khâu y tế và chế độ dinh dưỡng của các CLB còn yếu kém và thiếu sót. Các CLB cần có riêng 1 chuyên gia dinh dưỡng để lên thực đơn hàng ngày, đảm bảo khẩu phần ăn cho các cầu thủ vừa có sức nhưng vừa khỏe mạnh. Nói để thấy các cầu thủ nước ngoài bên cạnh đã có yếu tố di truyền, thể lực và thể hình trội hơn chúng ta lại còn được tập luyện, chăm sóc rất tốt từ nhỏ nên luôn khỏe và mạnh hơn. Ở các CLB chuyên nghiệp châu Âu, tỷ lệ bác sĩ, phục hồi với cầu thủ gần như là 1-1. Tại Việt Nam, chỉ có một vài trường hợp như Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, TP.HCM, Viettel hay Sài Gòn là chịu bỏ tiền thuê chuyên gia thể lực hay bác sĩ ngoại. Còn nhớ hồi đội U.19 Việt Nam dự giải U.19 châu Á 2016 tại Bahrain, họ vô cùng thích thú khi được chăm sóc dinh dưỡng bởi đầu bếp người Ý. Ăn rất nhiều thịt bò, cá, rau xanh. Thể lực lên cũng là yếu tố quan trọng giúp đội giành vé dự World Cup U.20 năm 2017. Trong thể thao, chấn thương là khó tránh khỏi nhưng vẫn có thể hạn chế chấn thương nếu biết cách phòng tránh. Cầu thủ không ăn đủ chất trong khi cơ thể của họ phải được hưởng chế độ dinh dưỡng dành cho VĐV đỉnh cao. Thể trạng không tốt cũng là lý do dễ dẫn đến chấn thương. Các đội chi nhiều tiền cho cầu thủ ngoại nhưng không dám bỏ tiền mời HLV thể lực và bác sĩ chuyên ngành. Thực tế thì tiền lương cho đội ngũ này ít hơn rất nhiều so với mua một cầu thủ ngoại. Nhưng 100% các CLB ở Việt Nam không làm điều này.
Việc đội tuyển không có lớp kế cận xứng đáng và các cầu thủ trụ cột phải thi đấu liên tục dẫn đến những chấn thương liên tục. Nhìn sang bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay gần đây là Thái Lan đã xây dựng cùng lúc 2 - 3 đội trẻ để chia sức tùy từng mặt trận. Ở giải U.23 châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cất hết những ngôi sao chơi ở nước ngoài hay là trụ cột ở các CLB trong nước. Nhưng Việt Nam lại khác, áp lực thành tích khiến Liên đoàn bóng đá Việt Nam và HLV Park Hang-seo phải “cân” tất các giải đấu mà đội tuyển hay đội U.23, U.22 tham gia. Cũng vì áp lực thành tích mà ông Park luôn phải sử dụng tất cả những quân bài có trong tay, kể cả trong tình huống quân bài đó không ở trạng thái sung sức nhất.
Cầu thủ Việt lười vận động và không chú trọng vào công tác khởi động trước trận đấu
Khởi động được coi là yêu cầu bắt buộc với các cầu thủ chuyên nghiệp, tuy nhiên trong một số trường hợp, điều này hay bị mấy ông Việt Nam bỏ qua hoặc tập để đối phó. Việc không khởi động kĩ thường khiến cho dây chằng không kịp chuyển từ trạng thái nghỉ sang vận động đột ngột sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ bị chấn thương giãn hoặc đứt.
Thói quen sinh hoạt không tốt của cầu thủ Việt
Thường thì cầu thủ Việt sau mỗi trận đấu không có thói quen nghỉ ngơi mà hay lao vào những cuộc vui thâu đêm, rồi chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi và ăn uống không khoa học và ý thức giữ gìn sự chuyên nghiệp khi tập luyện trong những ngày nghỉ lag không có. Tại sao Ronaldo, Ibrahimovic có thể thi đấu đỉnh cao đến giờ này? Đó cũng là bởi vì họ luôn là người cuối cùng rời sân tập, khi được nghỉ họ bắt tay vào tập gym đồng thời ăn uống rất kĩ lưỡng, hạn chế chất béo. Tôi thề luôn mấy ông cầu thủ Việt đến tuổi của anh bảy thì chỉ có về nhà dưỡng già, tập dưỡng sinh thôi chứ không làm ăn được gì nữa đâu.
Bạo lực sân cỏ
Dễ dàng nhận ra trọng tài Việt Nam quá nhẹ tay với các pha vào bóng quyết liệt, hình phạt cho cầu thủ thì nhẹ nên điều đó không thay đổi được tư duy của các cầu thủ, không nói đâu xa, ngay trong tình huống Hoàng Thịnh phạm lỗi với Hùng Dũng, trọng tài ban đầu chỉ định rút thẻ vàng và sau khi biết tình trạng nghiêm trọng của Hùng Dũng mới thay thành thẻ đỏ. Cũng phải nhấn mạnh rằng cần quan tâm câu chuyện giáo dục nhân cách, đạo đức cho cầu thủ trẻ, đây vẫn là một vấn đề khá nhức nhối khi ngoại trừ một số lò như PVF, HAGL hay Viettel, những lò mang tính địa phương vẫn chưa coi trọng đúng mức việc học văn hóa của cầu thủ. Cầu thủ Việt Nam thường hay đá chân chứ không đá banh, hoặc có thể do hồi nhỏ học võ tự vệ mà không có dịp thử nên dùng nhẹ trên sân bay tí.
Mặt sân đấu của các CLB tại V.League cũng là một vấn đề nan giải, ảnh hưởng lớn đến cách chơi của các cầu thủ cũng như gây ra vô vàn những chấn thương khác nhau. Hiện nay ngoài sân Thống Nhất, Hàng Đẫy, Bình Dương, Pleiku đạt chất lượng thì các sân đấu như sân Vinh, sân Thanh Hóa, sân Hòa Xuân… đều không đạt chuẩn. Đó là một phần lý do mà SLNA năm 2019 có đến hàng chục ca chấn thương dài hạn như của Văn Đức, Xuân Mạnh, Văn Hùng, Tuấn Tài…