Em thấy cũng có nhiều lí do để người ta chọn về quê, nhưng không phải ai cũng phù hợp với cuộc sống ở quê…
Bà em từng nói với em: Con có thể bay nhảy khắp nơi, đi tìm lí tưởng ở những thành phố lớn, con làm giàu ở đó, yêu ở đó, tồn tại ở đó, nhưng đến khi chết đi, con cần phải về nơi mình được sinh ra, có như vậy mới thật sự nhắm mắt”…
Em thì sinh ra và lớn lên ở quê - một - vùng - quê Nam Bộ - đúng - nghĩa; trong một gia đình ba thế hệ, trước nhà là con sông, là cánh đồng, sau nhà là chuồng gia súc gia cầm, vườn cây ăn quả. Suốt mười tám năm sống ở quê thật sự bình yên. Đôi khi em cũng thầm cảm ơn vì mình được trải nghiệm một tuổi thơ vẹn tròn tại đây.
Xong rồi cũng như bao người trẻ có có “túi mơ to”, em cũng khăn gói lên Sài Gòn học tập và làm việc. Chính sự nhộn nhịp, hoa lệ của SG đã khiến cho em dần quên đi cái không khí bình yên của quê mình và tự nhủ mình sẽ sống và làm việc ở đây chứ về quê chắc chán òm…
Thế mà, sau vài năm cuồn cuộn mình trong guồng quay điên cuồng của đô thị, em lại thèm quê, mỗi lần về thăm nhà mà lên lại Sài Gòn là một lần tim có gì đó rơi mất một nhịp. Em tự thấy “bất công” cho quê mình, vì mỗi lần thành phố to này làm em tổn thương, em lại tìm về vùng quê nhỏ để xoa dịu đi, xong khi vơi đi nỗi buồn thì em lại quay về với thành phố. Em chẳng biết mình đã đánh mất gì, chỉ thấy mình như đứng giữa hai dòng nước, chẳng biết chọn dòng nào. Chắc cũng có nhiều bạn giống em chỗ này ha…
Sau đó, em chọn đi đến nhiều vùng quê khác vừa khám phá vừa du lịch, phần lớn là về quê của bạn, từ Bắc - Trung - Nam. Có khi là đi một mình, có khi em rủ bạn cùng đi. Khi quan sát mọi thứ ở quê cho đến cách đối xử của các bạn khi ở quê, em cũng hiểu sơ sơ vì sao mọi người chọn bỏ phố về quê và không phải ai cũng phù hợp để sống nửa đời còn lại ở quê.
Tại sao mọi người lại thích tìm về quê? Trước hết, chắc có lẽ là một biểu hiện của “đứng núi này trông núi nọ”, ý em không phải là chê trách gì đâu mà là ai cũng có hảo cảm với một cái gì đó mới lạ mà. Chen chúc giữa chốn đô thành quá lâu thì làm sao mà không say mê trước khung cảnh bình yên thật sự của làng quê chứ. Nhưng phần lớn, nó chỉ là ý nghĩ thoáng chốc của thời gian đầu trải nghiệm cảm giác mới thôi.
Đối với người đã từng ở quê, em ví cái cảm giác ấy như kiểu “tình cũ không rủ cũng đến”, nhưng mọi người biết đó, ai cũng tiếc nuối những cái đã mất đi nhưng trước sau cảm giác chán cũng nhanh ập đến thôi.
Đối với người chưa từng ở quê, cảm giác đó thì quá là mới lạ rồi, việc theo đuổi và làm quen một người mới bao giờ cũng thật hấp dẫn mà, đúng không? Việc thay đổi thói quen và môi trường sống chẳng hề dễ dàng chút nào, khi đã quen với sự ồn ào thì cuộc sống thinh lặng sẽ khiến người ta dễ rơi vào trầm cảm.
Chất lượng không khí ở quê thì khỏi bàn cãi rồi! Đất rộng, người thưa kết hợp với việc có nhiều diện tích trồng lúa, cây xanh, cây nông nghiệp; lại không có quá nhiều khu công nghiệp đã tạo nên bầu không khí thoáng đãng, mát lành vô cùng. Sáng dậy sớm, nghe tiếng chim hót, tiếng gà gáy, bước ra sân nhà hít lấy hít để không khí trong lành thì còn cảm giác nào bằng nữa; trưa nằm đung đưa trên võng ngủ thiu thiu với gió trời; tối ngắm trọn cả trăng sáng,… Có khi cuộc sống không tồn tại bon chen vậy mà khiến người ta thèm thuồng.
Đồ ăn organic cũng là một điểm cộng đó. Cá dưới ao, rau sau vườn, gà vịt thả vườn chẳng vương mùi phân bón, thuốc tăng trọng,… Mà còn thêm nữa là phần lớn gia đình ở quê ăn cơm đủ cữ, đúng bữa nữa chứ. Cái dạ dày thích điều này lắm đó.
Tại sao không phải ai cũng thích hợp bỏ phố về quê? Em nghĩ phần lớn là ở thói quen và tính cách, cũng có lúc là ở “cái tôi”, “cái sĩ diện”,…
Nếu một người đã quá quen với một cuộc sống ồn ào náo nhiệt rồi thì những gì bình lặng ở quê cũng chỉ là một dấu chấm, dấu phẩy trong câu chuyện đời họ, mà ở đó là khoảng không để lắng lòng và chậm lại để “thở” thôi. Với cả, bình yên ở quê thì thích đó nhưng ở đây thì chắc chắn những bạn “làm ngày, quẫy đêm” không hợp rồi, vì ở quê người ta thường đi ngủ lúc trời và sụp bóng, chắc tầm 7g - 8g tối ấy. Cũng có khi, không phải ai cũng đủ can đảm để ngủ ở một ngôi nhà mà sau lưng nhà là một khu mộ đâu, “yếu bóng vía” dễ gặp ông bà lắm đó (vì người ở quê thường chôn cất người chết sau nhà mà)… Em thì nghe đồn ai yếu yếu thì gặp vậy thôi chứ ở quê mấy chục năm nay em cũng chưa thấy ai bao giờ, toàn đồn.
Thêm nữa, có một cái này giống như định kiến của một bộ phận người dành cho những người ở quê, đó là “dân quê ít học”. Định kiến này một phần cũng đúng nhưng không phải ai cũng vậy. Tuy nhiên, phần đúng của việc “dân quê ít học” đã dẫn đến hệ lụy là những người dân quê cũng có định kiến nhất định tới một số quan điểm cởi mở của xã hội. Chính vì vậy mà không phải ai cũng có thể hiểu được lý do vì sao mình được ba mẹ cho lên thành phố ăn học rồi lại về quê nuôi cá, trồng rau. Hoặc chí ít, bạn phải về quê xây biệt phủ nghỉ dưỡng giữa ruộng đồng thì may ra những ánh mắt định kiến đó mới không chĩa vào người bạn. Khi chọn rời bỏ thành phố về quê thì ít nhất chúng ta phải đủ “mạnh” để vượt qua được những định kiến xung quanh đó. Có thể, mình cho rằng, đó là cuộc sống của mình và mình có quyền tự do chọn lựa; nhưng ba mẹ mình thì họ không được chọn và họ cũng phải cố vượt qua được sự “nghi vấn” của hàng xóm xung quanh. Điều đó cũng không dễ chịu gì…
Hoặc có khi chính mình đôi lúc sẽ tự “cảm thán”, tốn bao nhiêu năm học đại học để có tấm bằng cử nhân rồi lại về quê chăn nuôi, trồng trọt nhỉ? Đôi khi, “cái sĩ” sẽ khiến chúng ta chán nản chính mình và nghi ngờ sự lựa chọn này. “Miệng đời” không bao giờ cho bạn thời gian để minh chứng cho họ thấy việc mình làm là có ý nghĩa đối với đời mình.
Cũng có khi, người ta chọn lên thành phố vì ở đó có công việc làm, có lương cao hơn ở quê - dĩ nhiên. Nhưng, trong đợt dịch Covid vừa rồi, khi biết bao đoàn người lũ lượt khăn gói về quê và nhất quyết “về quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, có người thân và hàng xóm bên cạnh là được” thì nó lại là một câu chuyện khác. Đó là khi người ta xem thị thành kia chỉ là chỗ kiếm ra tiền chứ không phải chỗ nương náu trước tai ương, là một “chậu cây” cho họ cắm rễ tạm chứ không phải mảnh đất chôn chân họ cả đời. Đến lúc kiếm đủ tiền hoặc có một biến cố kinh hoàng nào đó thì họ sẵn sàng bỏ phố mà thôi.
Nhưng nói đi thì cũng nói lại, ai rồi cũng lớn, làng quê rồi cũng hiện đại theo cách riêng của làng quê mà. Giờ thì ở đây có đủ điện, nước, internet từng nhà. Làng xóm cũng nhộn nhịp như những khu phố nhỏ ở đô thị mà thôi. Cuối tuần người ta cũng xập xình dân ca remix rộn ràng cả vùng ấy. Đường xá thì chẳng còn đường đê bùn đất đâu, đường trải nhựa khắp nơi rồi. Ba em còn bảo, đại gia ở thành phố xuống đây mua đất nhiều lắm vì đất ở đây rẻ hơn Sài Gòn nhiều, với cả về già về đây dưỡng già thì còn gì bằng. Đời người còn dài, trừ những trường hợp xác định ngay từ đầu là sẽ về quê sống và làm việc hoặc một lí do bất khả kháng không được lựa chọn mà về quê là lựa chọn duy nhất thì việc bỏ phố về quê một sự lựa chọn có thể thay đổi.
Nhìn chung, mỗi người có một định nghĩa và sự lựa chọn khác nhau về việc sống ở quê hay ở phố. Nhưng có một điều em chắc chắn rằng, bất kỳ ai khi lựa chọn đều phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có nền tảng vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất. Cơ mà thời buổi này có chọn sai thì chọn lại, nhỡ về quê nuôi cá vài hôm chán quá thì lại bắt xe lên thành phố làm việc tiếp thôi. Em biết mọi thứ thì không đơn giản như lời nói đâu, nhưng mà cứ lạc quan và dám nghĩ dám làm, ai cũng phải đi tìm chính mình trong cuộc đời này mà.