Cá nhân mình nghĩ NÊN dạy trẻ cách tự lập từ nhỏ. Tại sao lại phải thế?
- Vì điều đó rất cần thiết, trẻ nhỏ sẽ có thể tự làm việc của mình (tuổi nhỏ làm việc nhỏ) và không ỷ lại, dựa dẫm vào bố mẹ, người lớn trong nhà.
- Giúp trẻ sớm ý thức được tính kỷ luật và có thể hình thành phong cách sống, tính cách tốt cho trẻ. Có lợi nhiều hơn chứ hại đâu thì mình chưa thấy.
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi, và trẻ nhỏ cũng không phải lúc nào cũng được ở bên bố mẹ được người thân chăm sóc. Thực tế như trường hợp bạn chủ topic đưa ra, những đứa trẻ phải xa bố mẹ trong 21 ngày cách ly như vậy, xung quanh chỉ có bạn bè và cô chú lạ (nhân viên y tế, chăm sóc) thì chúng nó phải làm gì nếu không có tính tự lập.
- Ai cũng biết tự tin là chìa khóa để giúp nhiều người thành công khi trưởng thành. Nếu ngay từ nhỏ, những đứa trẻ có thể tự giác làm được việc của mình sẽ giúp chúng tự tin vào bản thân hơn và hình thành được thói quen tốt cho sau này.
Mình được biết đến nhiều trường hợp, những đứa trẻ được nuông chiều từ bé (nhất là trẻ nhỏ được sống chung với ông bà) nên cái gì cũng không biết làm, lúc nào cũng ỷ lại người lớn. Lâu ngày hình thành nên tính cách ích kỷ, không biết giúp đỡ mọi người. Cũng có nhiều đứa trẻ khác được nuôi dạy theo kiểu “học hành mới là quan trọng nhất” nên ngoại trừ việc học, chúng chẳng cần phải làm bất kì điều gì cả, từ đó thiếu kỹ năng sống trầm trọng. Điều này rất nguy hiểm và bất lợi cho trẻ khi chúng trưởng thành.
Nói về việc dạy trẻ tự lập từ nhỏ thì mình được một người bạn chia sẻ về phương pháp Montessori - đây là phương pháp giáo dục hiện đại được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, tạo nên nền tảng cơ bản cho trẻ ở những năm đầu đời (đặc biệt giai đoạn từ 2 đến 6 tuổi).
Phương pháp Montessori có 5 lĩnh vực áp dụng đó là: Thực hành cuộc sống, Giác quan, Ngôn ngữ, Toán học và Văn hóa (Lịch sử, địa lý, khoa học, nghệ thuật). Mọi người có thể tìm hiểu kỹ hơn để có thể đồng hành cùng trẻ ở từng lĩnh vực phát triển nha.
Mình muốn chia sẻ nhiều hơn về nguyên tắc của Montessori để chúng ta biết tại sao nó lại được ứng dụng phổ biến như vậy.
- Sự tôn trọng được ưu tiên hàng đầu, trẻ nhỏ có quyền được tự do chọn học những thứ mình yêu thích, phát triển tính cá nhân của trẻ. Việc phụ huynh áp đặt suy nghĩ lên trẻ sẽ khiến chúng hạn chế khả năng tư duy vốn có, trẻ sẽ “làm theo” mà không học được cách tự lập, nếu trẻ khó chịu sẽ sinh ra việc phản kháng.
- Ai cũng biết việc học đi đôi với hành luôn đúng. Trẻ nhỏ có xu hướng “bắt chước” những gì mà chúng quan sát thấy. Khi chính tay trẻ thực hiện các nhiệm vụ về những kỹ năng thực tế như tự mặc quần áo, quét nhà, xếp quần áo,… sẽ giúp trẻ cảm thấy bản thân nó có ích, quan trọng và kích thích trẻ học hỏi và hành động nhiều hơn.
- Theo phương pháp Montessori thì không được tồn tại hình thức thưởng phạt dành cho trẻ. Nếu trẻ làm sai thì hãy hướng dẫn cho trẻ cách làm đúng. Nếu trẻ làm đúng thì hãy khích lệ, động viên trẻ phát triển tốt hơn và ghi nhận sự nỗ lực của trẻ.
- Khi thấy trẻ đang say mê chơi một món đồ chơi nào đó, bố mẹ không nên xen vào ngoại trừ có một lý do đặc biệt. Trẻ cần sự tập trung để tìm ra nhiều cách chơi của riêng mình, cũng như giải quyết vấn đề gặp phải trong lúc chơi.
- Theo tiến sĩ Maria Montessori, thiên nhiên giúp trẻ nhận thức được thực tế. Có rất nhiều hoạt động học tập và các cuộc phiêu lưu kỳ thú dành cho trẻ diễn ra ngoài trời với không khí trong lành thay vì ở tại lớp học hoặc trong nhà.
- Với Montessori, trẻ sẽ là trung tâm của các hoạt động học tập. Nhà trường và gia đình phải chú trọng khai thác những tiềm năng có sẵn ở trẻ. Thầy cô giáo hay ba mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích trẻ chủ động với môi trường xung quanh và tự học theo năng lực và sở thích của riêng mình. Thay vì áp đặt, bắt buộc thì chúng ta hãy trở thành những người bạn đồng hành
Mình nhận thấy phương pháp này rất hay và các bậc phụ huynh nên suy xét để dạy trẻ. Ngoài tính tự lập trẻ sẽ được học hỏi nhiều điều hơn. Mình cũng biết phương pháp này đã được ứng dụng ở một số trường mầm non ở VN nhưng chi phí học ở đây thường rất cao 🙁