Đã bao giờ bạn cầm một cuốn sách mới phát hành vài ngày nhưng lại có cảm giác mình đã đọc nó trước đó chưa? Khi dừng chân tại một địa điểm nào đó và bạn chợt nhận ra: “hình như mình đã đến chỗ này rồi nhỉ?”. Nếu bạn đã từng có cảm giác như thế thì xin chào mừng bạn đến với thế giới Déjà Vu - nơi tái hiện những giấc mơ tương lai. Déjà Vu xảy ra rất nhanh chỉ trong chớp mắt và không hề có dấu hiệu báo trước. Thế nên, bạn sẽ lạc vào xứ sở Déjà Vu ở bất kì tình huống nào trong cuộc sống. Cho đến thời điểm hiện tại, khoa học vẫn chưa có câu trả lời nào thỏa đáng cho hiện tượng này. Vậy phải chăng Déjà Vu là điều chứng minh cho khả năng nhìn thấy tương lai của chúng ta? Hãy để Phòng Thông Tin - Information Department dẫn bạn dạo quanh và tìm hiểu xứ sở kì lạ này nhé.

I. Déjà Vu là gì?
- Déjà Vu là một thuật ngữ trong tiếng Pháp được hiểu là “ký ức ảo giác” hoặc “đã từng nhìn thấy” và nó cũng có rất nhiều biến thể: Deja vecu - đã từng trải qua, Deja Senti - đã từng nghĩ đến, Deja Visite - đã từng ghé qua. Mãi đến năm 1876, nhà khoa học Emile Boirac đã đặt ra cái tên chung cho hiện tượng này là Déjà Vu.
- Có thể hiểu Déjà Vu là những hình ảnh, âm thanh, mùi vị khiến chúng ta có cảm giác mạnh mẽ là bản thân đã từng trải qua dù biết chắc chắn đây là lần đầu tiên được tiếp xúc. Các nhà tâm lý học cho rằng hiện tượng này xảy ra khi não bộ có sự nhầm lẫn giữa hiện tại và quá khứ. Tuy nhiên, đối với những học giả thì đây là thuyết học liên quan đến ký ức của tiền kiếp. Bạn cũng đừng quá lo sợ vì Déjà Vu chỉ diễn ra tầm 30 giây và nó phổ biến đến 60 - 70% dân số thế giới, nhóm tuổi dễ dàng lạc vào thế giới Déjà Vu dao động từ 15 - 25 tuổi.
II. Tại sao Déjà Vu xảy ra?
Kể từ năm 1876 đến hiện tại, đã có rất nhiều học thuyết giải thích cho khái niệm Déjà Vu. Song, những tiến bộ trong khoa học của con người cũng thắp lên hy vọng tìm được một lời giải đáp thuyết phục. Ở thời điểm này, đã có ba câu trả lời phổ biến nhất để lý giải cho ẩn số Déjà Vu.
- Thuyết xử lý kép:
- Dựa trên một cuộc thử nghiệm trên các bệnh nhân tại bệnh viện Veterans Hospital - Boston của Robert Efron, thuyêt xử lý song song được ra đời.
- Khi xử lý thông tin, một neuron nào đó bị chậm trễ thì Déjà Vu sẽ xuất hiện. Điều này có thể hiểu là khi một thông tin nào đó được xử lý lâu hơn bình thường khiến não bộ phân tích thông tin đó thành một sự kiện riêng biệt. Vì vậy, khi bạn tiếp xúc với mọi vật xung quanh trong lần đầu tiên thì lại cảm thấy rất gần gũi và thân thuộc.
- Khi bạn bước vào một hàng quán và ngồi đợi nhân viên phục vụ mang món ăn ra. Nhưng không may, người phục vụ bị ngã và khay đựng thức ăn bị rơi xuống đất. Khi đó, não của bạn buộc phải xử lý một loạt các thông tin như: nét mặt hoảng sợ của người phục vụ, hành động luốn cuốn, mùi thức ăn xộc lên mũi, v.v. Thông thường thì mọi thứ vừa xảy ra sẽ được ghi lại cùng một lúc. Nhưng đã có một sự việc bị xử lý chậm hơn các sự việc khác và nó được tách hẳn ra thành một sự kiện riêng biệt. Vì vậy mà chúng ta lạc vào thế giới Déjà Vu mà không hề hay biết.
- Thuyết phân chia nhận thức:
- Tiến sĩ Alan Brown là người đã đề xuất ra giả thuyết này. Ngoài ra, đây còn được gọi là thuyết di động. Giả thuyết này nói rằng khi chúng ta đang tập trung nhưng lại bị xao nhãng bởi một điều gì đó. Trong lúc không chú ý, những gì xung quanh chúng ta sẽ tự động đi vào tiềm thức một cách tự nhiên. Khi tập trung trở lại, chúng ta sẽ cảm thấy những thứ xung quanh đột nhiên trở nên rất quen thuộc mặc dù biết chắc đến 100% sự kiện đó bản thân chưa bao giờ trải qua.
- Hãy tưởng tượng bạn ghé thăm nhà của một người bạn. Khi đang trò chuyện cùng bạn của mình, bạn chợt nhận mình đã từng trải qua cảm giác này trước đây. Tại sao lại có cảm giác lạ kỳ này? Chính xác thì khi bạn vẫn còn đang mải mê trong câu chuyện, bộ não của bạn đã xử lý hết tất cả thông tin về khung cảnh, hình ảnh, mùi vị, tiếng động, v.v và khi thực sự tập trung lại, bạn sẽ cảm thấy bản thân đã từng trải qua những khoảnh khắc đó.
- Thuyết biểu tượng:
- Hermon Sno - nhà tâm thần học người Hà Lan đã giải thích cho Déjà Vu rằng nó có liên quan đến những nhầm lẫn trong quá khứ hoặc hình ảnh ba chiều. Những hình ảnh này được tái tạo từ những mảnh vụn ký ức. Khi một số chi tiết ở hiện tại như: khung cảnh, âm thanh, mùi vị, v.v có nét tương đồng với một số tàn dư trong những ký ức ở quá khứ, bộ não của chúng ta sẽ tái tạo lại toàn bộ bức tranh từ những mảnh ghép đó nhưng lại không thể xác định rõ được hình ảnh đó là từ đâu.
- Quay lại với tình huống trong hàng quán lúc nãy, bạn nhìn thấy chiếc khăn trải bàn thoạt nhìn có điểm gì đó rất giống với cái mà bạn từng nhìn thấy trước đó, có thể là ở nhà của một người bạn. Tuy nhiên, thay vì giúp cho bạn nhớ ra là bạn đã nhìn thấy chiếc khăn ở nhà một người bạn, não bộ chỉ triệu hồi phần ký ức về nó cho bạn nhưng không nhận dạng chính xác nó đã từng nằm ở đâu trong dòng ký ức của bạn.
III. Nên làm gì khi bị lạc vào xứ sở Déjà Vu?
Déjà Vu là hiện tượng mà ai cũng trải qua ít nhất là một lần trong đời nên bạn không cần quá lo lắng và sợ hãi. Sau đây là một số cách giúp bạn biết mình nên làm gì khi đi lạc vào thế giới này.
- Hãy giữ bình tĩnh.
- Khi vô tình trải nghiệm Déjà Vu, bạn sẽ không ít phần bị choáng ngợp. Tuy nhiên, Déjà Vu chỉ đến tầm 30 giây rồi trôi qua. Thế nên, việc bạn cần làm là:
• Hít thật sâu: Một hơi thở thật sâu sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác sợ hãi, nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và ổn định tinh thần của bạn.
• Xao lãng cảm giác Déjà Vu: Khi Déjà Vu trôi qua, bạn hãy làm một việc gì đó để tâm trí được tập trung, chẳng hạn như: đi dạo một vòng, uống một cốc cà phê để tỉnh táo hơn, v.v
• Chia sẻ trải nghiệm: Bạn hãy nghĩ đơn giản Déjà Vu chỉ là một trải nghiệm mới lạ. Vì vậy, đừng ngần ngại chia sẻ cùng gia đình và bạn bè, biết đâu bạn sẽ tìm được sự đồng cảm và trải nghiệm tương tự từ họ.
- Tín hiệu của cơ thể: “Tôi cần được chăm sóc.”
- Déjà Vu cũng là một tín hiệu mà cơ thể đưa ra cho chúng ta. Có lẽ đây là một thông báo về sức khỏe của bạn đang không được tốt.
• Giải tỏa căng thẳng: Phần lớn Déjà Vu xảy ra khi bạn thường xuyên bị căng thẳng. Hãy thử tập thể dục hoặc yoga để giảm bớt tình trạng stress.
• Hãy nghỉ ngơi: Déjà Vu và mất ngủ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, bạn nên dành thời gian để bù lại giấc ngủ cho bản thân, ngủ sớm và đủ giấc mỗi ngày.
- Lấy Déjà Vu làm điểm mạnh.
- Một sự thật thú vị là trải nghiệm Déjà Vu chỉ diễn ra với những người có khả năng ghi nhớ tốt hơn người bình thường. Vậy sao bạn không tận dụng Déjà Vu để luyện tập khả năng ghi nhớ cho bản thân?
- Bạn hãy tập ghi nhớ các sự kiện diễn ra hằng ngày, các chi tiết như: hương thơm, hình dạng, mùi vị, cảm xúc, âm thanh, v.v. Chẳng hạn như khi đi học, bạn thử tập trung và chú ý đến những bài học trên lớp, các chi tiết trong cuộc trò chuyện với mọi người.
Mặc dù đã hơn 100 năm qua, khoa học vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho hiện tượng Déjà Vu. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng là những tín hiệu sức khỏe của bạn đang cần được chăm sóc. Vậy nên, Information Department mong rằng những thông tin cơ bản về Déjà Vu sẽ giúp bạn bảo vệ cho sức khỏe của bản thân, gia đình và bạn bè.
nguồn:
Cảm ơn, Information Deparment
https://bom.to/9wPq4n
https://bom.to/9yH92l
https://bom.to/fjMlwc